Ngày 20/11, nhớ người thầy đã cho tôi niềm tin

Thứ hai - 20/11/2017 07:33
Mấy năm trước, tôi có duyên gặp gỡ một người thầy trong quãng thời gian học cao học. Thầy vốn là một nhà báo, chưa từng học Sư phạm nhưng đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng đẹp về cái tâm của một người thầy.

Lần đầu tiên tôi biết đến thầy là sau khi nhận được quyết định thông báo cán bộ hướng dẫn thực hiện luận văn. Đó là một nhà báo, như vậy công việc sẽ rất bận rộn, sẽ không có nhiều thời gian hướng dẫn mình làm luận văn. Tôi đã nghĩ như vậy khi biết tên người hướng dẫn. Hơn thế, tôi cũng rất lo lắng bởi theo kinh nghiệm của các khóa trước, để làm được một luận văn tốn rất nhiều thời gian, công sức, tài chính, nếu không gặp được một thầy hướng dẫn tốt thì bản thân sẽ rất vất vả, nhiều người còn không thể hoàn thành được đề tài.

Qua tìm hiểu tôi được biết thầy vừa trải qua một đợt điều trị bệnh nan y, hiện sức khỏe đã tốt hơn những vẫn còn rất yếu. Quả thật, khi tôi đến gặp thầy, thầy rất gầy yếu, xanh xao, chỉ có đôi mắt rất sáng, giọng nói ấm áp. Biết tôi là học viên mà khoa đã mời thầy hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, thầy nói luôn: “Hiện sức khỏe thầy không tốt nếu em làm cùng thầy phải cố gắng nhiều, thầy cũng sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ em. Nếu không tin tưởng vào thầy thì hãy xin đổi người hướng dẫn.”

Ngay sau đó thầy hỏi tôi về công việc, định hướng đề tài, chỉ ra cái hay, cái dở trong mỗi đề tài tôi dự định thực hiện. Thầy động viên tôi bình tĩnh tìm hiểu tài liệu, suy nghĩ thêm rồi thầy trò cùng quyết định. Khi tôi còn đang mông lung chưa biết làm thế nào, thầy đã chủ động gọi điện cho tôi để hỏi han tình hình, rồi định hướng cho tôi nên làm những đề tài phù hợp với công việc của mình. Nhờ có thầy, cuối cùng tôi cũng tìm được một đề tài phù hợp, được thông qua thuận lợi.

Trong quá trình tôi làm đề tài, thầy thường xuyên gửi tài liệu tham khảo và cả những kinh nghiệm làm luận văn hiệu quả. Thầy bảo, đừng chủ quan rằng có nhiều thời gian, nếu em không tập trung hết sức ngay từ đầu thì sau sẽ rất vất vả, nhiều người không thể bảo vệ đề tài đúng hạn chỉ vì thế. Biết tôi đã có gia đình, con nhỏ, thầy khuyên càng phải tận dụng thời gian, chăm chỉ sưu tầm tư liệu, bởi trong cuộc sống không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, có lúc công việc bận, phải đi công tác dài ngày, hay con ốm, mình ốm,…. cũng phải mất nhiều thời gian thu xếp. Có những lúc tôi cảm thấy việc vừa đi làm, vừa đi học rồi phải làm nghiên cứu khoa học thực sự mệt mỏi, tôi không muốn sờ đến sách vở. Thầy lại gọi điện hỏi sao không thấy thông báo tiến độ cho thầy biết, đã làm đến đâu rồi. Để giúp tôi tập trung, thầy đã yêu cầu tôi viết được chương nào thì gửi email luôn để thầy chỉnh sửa, góp ý. Khi hiểu về công việc, thu nhập và hoàn cảnh gia đình của tôi, thầy đã nói rằng khi đến gặp thầy đừng mang theo quà cáp gì cả, chỉ cần tôi chuyên tâm làm tốt đề tài là thầy vui lòng.

Đáng nói là mỗi lần đến thăm thầy, tôi luôn thấy các loại thuốc bày đầy trên mặt bàn. Thầy phải uống nhiều loại thuốc khác nhau để trị bệnh. Căn bệnh ung thư mà thầy mắc phải thường khiến người ta chán nản, bi quan, nhưng ở thầy không bao giờ có điều đó. Lúc nào thầy cũng tự tin, lạc quan, khi quá mệt mỏi thầy làm việc ở nhà nhưng chỉ cần đi được là lại đến cơ quan. Có lần thầy chia sẻ, bệnh tật không chừa một ai, trước đây thầy là người cao to, khỏe mạnh nhưng bây giờ có lúc đi không vững. Vì thế, tinh thần của mình càng phải mạnh mẽ lên, lạc quan lên. Thầy chữa bệnh theo phương châm Đông - Tây y kết hợp, rồi tập thể dục, tìm hiểu kinh nghiệm chữa bệnh của mọi người. Chỉ cần mình suy nghĩ tích cực, lạc quan thì đã chiến thắng được bệnh tật rồi. Nhìn vào thầy, tôi đã học được rất nhiều điều để sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn và luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Không chỉ là người thầy tận tình giúp tôi hoàn thành luận văn, thầy còn như một người chú, người bác, một người thân luôn quan tâm hỏi han công việc và cuộc sống gia đình. Thầy động viên tôi, tuổi trẻ ai cũng vất vả cả nên phải không ngừng phấn đấu. Trong cuộc sống phải luôn bình tĩnh đón nhận mọi việc, đừng vì công việc không thuận lợi mà chán nản, con nóng đầu ngạt mũi mà buồn bã, chồng về nhà muộn một chút là cáu gắt gây bất hòa,… Về sau thầy còn giới thiệu cho tôi một công việc phù hợp với chuyên môn của mình hơn khiến tôi vô cùng cảm động.

Ngày tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, mặc dù không đến dự được vì sức khỏe yếu nhưng thầy không quên gửi tin nhắn động viên tôi bình tĩnh và dặn sau khi có kết quả phải báo ngay cho thầy biết. Tôi vẫn thường tự nhủ, để hoàn thành khóa học cao học này, tôi thực sự may mắn vì đã gặp được thầy. Bởi thế, tôi vẫn thường xuyên liên lạc, thăm hỏi sức khỏe thầy, thầy cũng vẫn quan tâm hỏi han công việc, thu nhập, việc học hành của con cái như một người thân.

Không may sau đó bệnh của thầy trở nặng, Tết Bính Thân năm đó thầy vẫn phải ở lại điều trị trong bệnh viện. Dù nằm trên giường bệnh, rất đau nhưng thầy không hề kêu ca tiếng nào. Thầy vẫn thể hiện sự lạc quan, vui vẻ với mọi người trong gia đình và bảo rằng chỉ vì trời lạnh quá nên thầy vào viện cho ấm thôi. Tôi cũng không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp thầy. Khi tôi về, dù rất mệt thầy vẫn bắt tay tôi, vẫn cười chúc tôi năm mới công việc thuận lợi, ngày càng tiến bộ, gia đình hạnh phúc.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, hình ảnh về người thầy đáng kính năm đó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Mỗi năm đến ngày lễ, tết, Ngày Nhà báo Việt Nam, Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lại nhớ về thầy, cảm ơn thầy đã cho tôi hiểu hơn về cuộc sống và luôn có niềm tin, sự lạc quan để vượt qua mọi khó khăn.

Đỗ Quyên

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay220
  • Tháng hiện tại15,791
  • Tổng lượt truy cập1,342,016
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây