Nhiều yếu tố hỗ tích cực cho tăng trưởng kinh tế
Đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng kinh tế đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực. Theo đó, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế. Kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khi phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II/2018 và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018.
Cùng với đó, tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46%, với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng; tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,3% - mức cao nhất trong cùng thời kỳ kể từ 2010.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều ngành kinh tế lớn đang vào chu kỳ tăng trưởng như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm. Nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện. Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện.
Đáng chú ý, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các thủ tục về cấp phép kinh doanh và điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa.
Tính đến hết quý II/2018, có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ hoặc sửa đổi, đơn giản hóa. Bộ Công Thương công bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ này; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh; Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ sáu ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và 89 điều kiện (trong tổng số 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng); đơn giản hóa 94 điều kiện; Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cũng được giảm thiểu.
Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi hơn 40 thông tư cắt giảm phí và lệ phí. Các thông tư này dự kiến sẽ được ban hành trong năm nay, hy vọng rằng năm 2018 sẽ có thêm nhiều chương trình hành động cụ thể nữa để giảm các chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, năm 2018 cũng là thời điểm Chỉ thị 20/2017/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với với doanh nghiệp được thực hiện và dự báo sẽ có tác động ngay trong năm 2018.
“Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kí kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến tích cực, tuy nhiên những cảnh báo về sức ép của lạm phát, tỷ giá hối đoái, rủi ro về thiên tai do diễn biến thời tiết, khí hậu bất thường và những hệ quả của xu thế bảo hộ mậu dịch cũng như những biến động về địa chính trị, chiến tranh thương mại, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn... vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ và dự kiến những đối sách phù hợp.
Đưa ra định hướng chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Trung – Mỹ và động thái của các đối tác thương mại và đầu tư chính; nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó của Việt Nam.
Đối với lạm phát, để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2018 cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, một số hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng lương cơ bản của các đối tượng hưởng ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng. Điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá cần được thực hiện một cách minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và linh hoạt. Tránh tư duy dồn việc điều chỉnh giá vào cuối năm.
Về điều hành tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối.
Riêng đối với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu. Phải đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn được thuận lợi và nhanh hơn, thủ tục vay vốn ngân hàng cần đơn giản, thông thoáng hơn.