Xóa bỏ hạn điền cùng cơ chế cho nông dân

Thứ sáu - 03/08/2018 23:49
Cả nước hiện có 49.600 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng DN cả nước. Tuy nhiên, để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp thì một trong những vấn đề quan trọng là phải gỡ được nút thắt về hạn điền và kèm theo đó là một cơ chế tốt cho người nông dân.

Xóa bỏ hạn điền cùng cơ chế cho nông dân

Ruộng đất bị chia nhỏ, không thể sản xuất lớn.

2 phương án của Bộ Tài nguyên-Môi trường

Kết quả nghiên cứu của nhóm công tác về nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, các văn bản chủ trương, chính sách lớn về nông nghiệp vẫn duy trì vai trò nòng cốt của kinh tế hộ. Mặc dù, đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng cách làm còn lúng túng, chưa có đột phá. Từ đó, nhóm này kiến nghị xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất đai tùy bài toán kinh doanh của DN. Sau khi có cơ chế xóa bỏ hạn điền thì trực tiếp Chính phủ quản lý các vùng đất dành cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cho DN thuê căn cứ tính khả thi từng dự án. Còn DN sẽ xây dựng thị trường để đảm bảo dự án hiệu quả, kể cả việc lo vốn.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên vấn đề tháo gỡ khó khăn trong đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp mới được đề cập. Bởi ngay sau khi đối thoại với nông dân, Thủ tướng đã yêu cầu, Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để người dân đưa đất vào sử dụng có hiệu quả trong đó có việc góp vốn, cho thuê, chuyển nhượng để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho nông dân trong việc vay vốn sản xuất.

Hiện Bộ TNMT đã công bố Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, qua đó đưa ra 2 phương án. Phương án một là, tiếp tục nới rộng thêm hơn 10 lần so với quy định của Luật Đất đai 2013 về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Phương án này vẫn còn mang tính hạn chế nhu cầu tích tụ ruộng đất nên hiệu quả của việc tích tụ không đạt hiệu quả cao. Còn phương án hai là bỏ hẳn quy định về hạn mức. Phương án này không có giới hạn mức sử dụng đất, cho phép hộ gia đình, cá nhân có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu và năng lực của mình. Tuy nhiên Bộ TNMT lo ngại sẽ dẫn đến một số đối tượng đầu cơ đất đai. Do đó, Bộ này chỉ đề xuất xóa bỏ hạn điền trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân.

Bỏ hạn điền để tích tụ ruộng đất

Theo khảo sát của PGS.TS Vũ Thị Minh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), hiện cả nước còn khoảng 5% tổng diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vì các loại đất này có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, đất đang có tranh chấp, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, đất lấn chiếm. Vì thế, trong thời gian tới Nhà nước cần xây dựng các tổ chức hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho nông dân trong các giao dịch về đất đai, sử dụng tổ chức thẩm định độc lập để định giá tài sản đất nông nghiệp trong các giao dịch hoặc khi Nhà nước thu hồi hoặc thuê lại. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý đất điện tử để cung cấp thông tin số hóa về quyền sử dụng đất và giao dịch bất động sản, cũng như xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ đất nông nghiệp theo nhiều hình thức bao gồm: Chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, hợp tác kinh doanh. 

Còn PGS.TS Bùi Thị An- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho rằng, để xóa bỏ được hạn điền nhằm tích tụ ruộng đất qua đó giúp cho DN vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải giải quyết được hai vấn đề căn cơ. Thứ nhất, muốn xóa được hạn điền thì phải có cơ chế đối với người nông dân. Bởi từ nhiều đời nay tâm lý, tập quán là người nông dân phải có ruộng để canh tác, mỗi nhà có một mảnh ruộng cho nên manh mún nhưng đó là tâm lý còn rất nặng nề. Do đó xóa bỏ hạn điền phải đi đôi với cơ chế, tạo điều kiện sống cho người nông dân một cách thích hợp. Có như vậy người nông dân mới đồng thuận, phấn khỏi tham gia vào trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Và đó mới là mục tiêu mang tính lâu dài.

Vấn đề thứ hai theo bà An, trong áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chúng ta áp dụng kinh nghiệm thế giới là đúng nhưng cần chọn lọc, và phải gắn với thực tiễn. “Học tập kinh nghiệm quốc tế là tốt nhưng phải gắn với thực tế nước ta, tức là trong trường hợp đất đai hạn chế thì áp dụng công nghệ thế nào cho phù hợp với sản xuất? Chứ không thể đưa ra yêu cầu phải có mức hạn điền lớn thì mới áp dụng được công nghệ cao trong khi nguồn lực đất đai của ta có giới hạn”- bà An bày tỏ.    

 

Tác giả bài viết: H.Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay864
  • Tháng hiện tại8,134
  • Tổng lượt truy cập1,556,531
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây