Những trường hợp “khó phán”
Nhiều người cho rằng, đất bị tóp hậu, nhà khuyết phía sau không tốt, nhưng quan sát kiến trúc của nhiều đình, chùa thì thấy, gian ngoài luôn là gian thờ công đồng hoặc gian đại bái, gian trong là hậu cung hoặc nơi thờ Tam Bảo, có không gian hẹp hơn phía trước. Như vậy, đình và chùa không thiết kế theo phong thủy, hoặc bị ảnh hưởng xấu bởi phong thủy hay sao?
Với kiến trúc của những công trình có 5 cạnh, điển hình trong thực tế là Lầu năm góc của Mỹ, dù lấy mặt nào làm mặt tiền thì phần đuôi cũng bị nhọn và theo tư duy tóp hậu là không tốt thì chưa khớp với thực tế đời sống. Ngoài ra, công trình hình tròn thì hậu tóp hay nở?
Hiện nay, có những công trình xây dựng theo hình chữ U, nếu đáy chữ U là mặt tiền thì không những bị khuyết hậu mà còn khuyết cả trung cung.
Hoặc các chung cư cao tầng hiện nay thường có thiết kế hình chữ H, theo hình thể trong phong thủy thì bị khuyết cả tiền lẫn hậu, nhưng những công trình đó vẫn thịnh về tài lộc. Nhiều người khi lý giải theo phong thủy đã né tránh những trường hợp này.
Nhìn chung, những lý luận trên mang tính chất phỏng đoán và dựa vào một số cuốn sách về phong thủy để “phán”. Nếu nói hình dáng và cấu tạo ngôi nhà đó xấu thì ai ở cũng xấu, vậy xấu vào năm nào, năm nào gặp chướng họa và hao tiền của, ngủ chỗ nào hay ốm đau...?
Nếu “phán” chuẩn thì giống như bác sĩ sẽ khám đúng bệnh của bệnh nhân, từ đó kê đúng toa thuốc và giúp bệnh nhân khỏi bệnh, chứ không thể nói “sách viết như vậy, cứ vậy mà theo”.
Tốt xấu phải xem hướng và tổng thể
Ngoài các trường hợp như nhà khuyết phía Bạch hổ (bên phải), hay khuyết phía Thanh long (bên trái), hay biệt thự có mặt bằng hình vuông nhưng khuyết 1/4 mái như đã đề cập, nhiều người khi xây nhà cũng thắc mắc: ngôi nhà có móng và phần thân nhà xây hình vuông hay hình chữ nhật, nhưng phần mái bị khuyết một góc, hoặc nhà thì vuông vắn, nhưng có các phần ban công đua ra khác nhau, làm cho tổng thể nhà “lồi lõm”, liệu rằng có bị ảnh hưởng xấu theo phong thủy?
Theo kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, khi tính toán và án ngữ phong thủy, phải tính tổng thể và bao gồm toàn bộ phần đua ra của công trình, dù là ban công hay phần mái của bất kể tầng nào.
Phần mái chỉ là một phần của tầng thượng và phải căn cứ vào thế và hướng của toàn công trình. Tức căn cứ vào hình dạng tổng thể của vật thể mà tìm ra trọng tâm của nhà, rồi đặt tâm ngôi nhà trùng với tâm đồ hình phong thủy.
Một số hình dạng ngôi nhà có thể xây theo hình chữ U, H, L, Y cũng vẫn thịnh theo phong thủy, dù bị khuyết trung cung, Thanh long, hay Bạch hổ. Bởi vì, trên nguyên lý của đồ hình phong thủy có 9 cung, những cung xấu, khuyết đi thì công trình có tỷ trọng nằm trong cung tốt nhiều hơn.
Ngược lại, những cung thịnh mà bị khuyết thì phần không gian nằm nhiều vào chỗ xấu, công trình có mức độ xấu về phong thủy nhiều hơn.
Tìm trọng tâm nhà khuyết góc
Vẫn theo ông Hoàng Trà, khi một ngôi nhà hình vuông, chữ nhật thì trọng tâm là giao hai đường chéo, nhưng khi bị khuyết một góc nào đó hoặc có phần nhô ra, thò thụt của ban công, mái thì trọng tâm bị dịch chuyển và nếu xác định không chính xác thì đặt vào đồ hình phong thủy cũng bị sai lệch.
Để biết trọng tâm những ngôi nhà khuyết dịch chuyển như thế nào, có thể xác định bằng cách: In bản vẽ tổng mặt bằng tòa nhà ra giấy và lấy kéo cắt đúng đường viền tổng thể (cả mái, ban công), rồi đục các lỗ nhỏ ở các đầu mút khác nhau.
Sau đó, lấy dây chỉ treo vào các điểm mút, từ đó kẻ đường thẳng chạy qua trọng tâm của ngôi nhà, chính là đường thẳng dọc theo dây. Cuối cùng, treo ở vị trí thứ 3 trở đi sẽ thấy, sợi dây luôn chạy qua trọng tâm ngôi nhà chính và là giao điểm của các đường thẳng nói trên.
Với các ngôi nhà bị khuyết góc và hình dạng phức tạp, thì có sự thay đổi lớn về vị trí trọng tâm, do đó các cung thịnh suy dịch chuyển, dẫn đến có sự khác biệt về trung cung và sự thừa thiếu của các cung thịnh, cung bình, cung suy.
Ví dụ, ngôi nhà hay trường học hình chữ L thì trọng tâm và trung cung sẽ không nằm trong phần thân của công trình, nhà dạng này sẽ khuyết ít nhất 3 cung trong tổng thể 9 cung.
Có người tự cho mình là thầy phong thủy và phán khi xem một căn hộ chung cư rằng, căn hộ này bị tóp hậu, vì tính từ cửa vào thì kích thước theo chiều hành lang rộng hơn mặt tiếp xúc bên ngoài.
Trong khi đó, căn hộ chung cư cũng chỉ như một phòng lớn có các phòng nhỏ, ở trong một tầng mà thôi, cho nên tính mặt tiền theo hành lang và mặt hậu theo tiếp giáp bên ngoài là điều sai cơ bản khi làm phong thủy.
Thực tế hiện nay, các căn hộ chung cư có mặt bằng vuông vắn hình vuông, hình chữ nhật là không nhiều, với mục đích lấy nhiều ánh sáng tự nhiên và thông gió cho các phòng, nên phải khoét các rãnh.
Vì vậy, căn hộ không vuông và cũng chẳng cần vuông, vì nó hầu như không ảnh hưởng đến yếu tố tốt, xấu của phong thủy. Có nhiều yếu tố khác đáng quan tâm hơn.
KTS Hoàng Trà mong rằng, các độc giả cần lưu ý khi xem phong thủy, tránh tiền mất tật mang do những hiểu biết sai lệch về phong thủy.
Tác giả bài viết: Thành Nguyễn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn