Gỡ rào cản ngáng chân doanh nghiệp - Cách nào?

Thứ tư - 01/08/2018 23:44
Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ; trong đó, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Sau hơn 30 năm đổi mới, bức tranh thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn một màu ảm đạm với con số vẻn vẹn hơn 42.000 doanh nghiệp, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến xuất khẩu, nhưng trên thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vấn đề “được mùa mất giá”, chất lượng nông sản còn bất cập, tiêu thụ phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc… đang đe dọa sự phát triển bền vững của ngành. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến các ngành sản xuất, nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia gần đây… đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành. Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ; trong đó, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Sau hơn 30 năm đổi mới, bức tranh thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn một màu ảm đạm với con số vẻn vẹn hơn 42.000 doanh nghiệp, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

Nhiều rủi ro cản bước doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp như phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố tự nhiên và ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý. Ngoài ra, hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất nhìn chung chưa cao, ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn rất hạn chế, mới chỉ dừng ở bước đầu phát triển.

Xuất phát từ thực tế này, một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về việc tích tụ ruộng đất, hiện nay tại một số địa phương như Thái Bình, Hà Nam chính quyền đã đứng ra tích tụ ruộng đất, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại, tạo diện tích lớn để doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, giống cây trồng, tạo sản lượng lớn để xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết: “Tuy nhiên những phương án này cũng có những xung đột với những pháp luật hiện hành”.

Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Cụ thể, tính đến quý II/2018 ước tính cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, nếu nhìn về con số giá trị đầu tư, dòng vốn vào ngành này chỉ bằng một nửa. Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, có khoảng 4% tổng vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp tính đến tháng 7/2018. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn với 5,59% và doanh nghiệp có quy mô vừa với 2,06%. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.

 


 

 

Khắc phục các điểm nghẽn 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù trong thời gian gần đây, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được Nhà nước và các địa phương tập trung đầu tư khá lớn, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách đất đai vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý… Chỉ khi nào hạn chế và bất cập này được khắc phục mới tạo được bước đột phá trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 

Do đó, giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng logistics, đảm bảo hàng hóa lưu thông nhanh chóng không chỉ giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà còn thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển. Một vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp đề cập, đó là ngành công nghiệp cơ khí ở Việt Nam vẫn chưa hỗ trợ được nhiều trong sản xuất nông nghiệp, trong khi vấn đề cơ giới hóa là khâu quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Nếu không có công nghệ chủ động thì rất khó hạ giá thành sản phẩm. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, về mặt vĩ mô, Nhà nước cần đầu tư quy hoạch lại cơ cấu ngành nông nghiệp cho hợp lý với nhu cầu thị trường để hạn chế tình trạng có sản phẩm không đủ hàng để bán, nhưng lại có nhiều sản phẩm dư thừa phải bán rẻ hoặc đổ bỏ. Về mặt thị trường, không nên phụ thuộc vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc, phải có chiến lược ngoại giao kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản. 

“Cửa rộng” nhưng nhiều “ổ khóa”?

Mặc dù Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ ban hành tháng 4/2018, thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP với nhiều ưu đãi về miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo… Tuy nhiên, việc tiếp cận, thực thi chính sách này tiếp tục là bài toán đặt ra cho ngành. Bởi vậy, hoàn thiện hệ thống pháp lý chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết, thì công tác thực thi, để chính sách đi vào đời sống cũng là yêu cầu tất yếu. Để ưu đãi tới được với các doanh nghiệp đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương, vì thực tế không riêng với nông nghiệp, nhiều chính sách Nhà nước ban hành vẫn gặp nghẽn trong công tác triển khai khiến đối tượng được hưởng lợi lại chưa có lợi.

Phát biểu kết luận Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sáng 31/7 tại Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các DN đầu tư trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Theo Thủ tướng, đây là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn; và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương khẩn trương ban hành, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Bộ KH&ĐT khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các DN có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho DN trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu.

Chú ý nghiên cứu xây dựng 3 ngành chế biến đứng vào tốp 5 của thế giới: Rau củ quả, thủy hải sản và dược liệu, cùng một số sản phẩm thế mạnh khác như tôm, gạo…

“Tất cả chúng ta nỗ lực, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn”, Thủ tướng bày tỏ.

Tác giả bài viết: Khánh An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,106
  • Tháng hiện tại25,590
  • Tổng lượt truy cập1,351,815
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây