Thị trường tăng nhưng phân hóa

Thứ năm - 02/08/2018 12:47
VN Index đã kết thúc tháng 7 một cách khả quan khi vượt ngưỡng 950 điểm, đóng cửa phiên 31-7 đạt hơn 956 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này lại có phiên điều chỉnh nhẹ 3,62 điểm xuống còn 952,77 điểm. Rất nhiều khả năng những diễn biến này sẽ lặp lại nhiều lần trong tháng 8.

Lạc quan nhưng thận trọng

VN Index khởi đầu tháng 8 đầy hứng khởi khi có những lúc tăng hơn 960 điểm cùng một loạt cổ phiếu dẫn dắt như nhóm ngân hàng, bất động sản, hàng không có sắc xanh.
 Thanh khoản trên thị trường cơ sở vẫn duy trì ở mức khả quan với GTGD trung bình tại HOSE đạt quanh ngưỡng 3.500 tỷ đồng. Trong trường hợp ngưỡng 950 điểm, hay thấp hơn 930 điểm vẫn được giữ vững trong 5 phiên tới, kỳ vọng các cơ hội kể cả rủi ro đan xen sẽ xuất hiện trong suốt tháng 8 này. Sự khả quan sẽ nằm ở việc TTCK tìm được điểm cân bằng và thanh khoản được đảm bảo.
Tuy nhiên, càng về giờ chiều lực bán xuất hiện mạnh mẽ hơn và đẩy VN Index xuống sát ngưỡng 950 điểm, trước khi đóng cửa tại 952,77 điểm. Không khó để chỉ ra lý do giảm điểm của phiên 1-8. Đầu tiên là VN Index đã tăng 4 phiên và giá của nhiều CP có cơ bản tốt tăng 10-20%, vì vậy động thái chốt lời trong giai đoạn đầu của sóng hồi sẽ được lựa chọn.
Mục tiêu hướng đến là vừa hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn, vừa để theo dõi thị trường diễn biến tiếp theo ra sao, đồng thời lựa chọn xoay vòng tiền liên tục. Một điểm đáng chú ý trong phiên 1-8, hiện tượng luân phiên trong nhóm CP trụ cột đã diễn ra liên tục, vai trò “trụ đỡ” được xoay vòng trong nhóm CP vốn hóa lớn. Theo đó, khi nhóm CP này bị chốt lãi giảm giá, nhóm khác sẽ giữ tham chiếu, hoặc “xanh” nhẹ để điểm số không giảm quá sâu. 

Ngưỡng 950 điểm được giữ khá tốt trong phiên này là một minh chứng. Mặt khác, với việc nhiều CP đã được công bố KQKD nửa đầu năm 2018, tùy theo đánh giá của từng nhóm NĐT cá nhân, tổ chức, sẽ có mức định giá và giao dịch riêng. Chẳng hạn, với những CP dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng NĐT chỉ chấp nhận mua vào với những mức giá tốt hoặc giá thấp. Điều này phản ánh khá rõ ở nhiều CP vốn hóa lớn, phần lớn sau khi công bố KQKD quý II chỉ bật lên được 1 phiên, sau đó đi ngang quanh mốc này.
Với những CP có KQKD vượt trội sẽ được mua mạnh nhưng số này rất hiếm. Ngược lại, với những doanh nghiệp niêm yết có KQKD dưới kỳ vọng hoặc tiêu cực, sẽ bị bán ra không thương tiếc. Hiện tượng phân hóa vì vậy cũng sẽ diễn ra cực kỳ quyết liệt trong tháng 8. Vậy đâu sẽ là động lực cũng như thách thức  cho thị trường trong tháng khi mùa BCTC đã sắp kết thúc?
Thị trường tăng nhưng phân hóa ảnh 1
Mua cho dài hạn
Nếu 2 yếu tố góp phần đẩy CK phục hồi trong 2/3 quãng thời gian của tháng 7 là BCTC quý II và phần nào đó là sự phục hồi của thị trường thế giới, trong tháng 8 vẫn chưa xuất hiện những kỳ vọng mới. Việc nhiều CP giảm giá 30-40% so với thời điểm VN Index 1.200 điểm có thể xem là giá rẻ, hấp dẫn.
Song mặt bằng chung của rất nhiều CP hiện nay đều là rẻ nên phía mua nếu có tiền cũng không vội vã ra tay. Yếu tố từ TTCK thế giới không phải lúc nào cũng tác động ngay lập tức đến TTCK trong nước, đôi khi cũng có sự lệch pha. Chẳng hạn, trong giai đoạn thị trường giảm, tâm lý bi quan, TTCK thế giới tiêu cực có thể tạo ra lực bán trong ngắn hạn khiến trong nước giảm. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, TTCK nước ngoài diễn biến thuận lợi có thể khiến NĐT hứng khởi mua vào. Mặt khác, một số yếu tố như tỷ giá, sự dịch chuyển dòng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi vẫn đang được quan tâm sát sao.

Có thể nói, nửa đầu tháng 8 thị trường ít nhiều sẽ có khoảng trống về thông tin hỗ trợ, yếu tố có thể thu hút NĐT lớn nhất nằm ở định giá của CP. Những CP tốt, giá rẻ, có thanh khoản cao nhiều khả năng được mua, nhưng sẽ mua dần thay vì mua đuổi. Những đợt rung lắc vì vậy sẽ xuất hiện nhiều hơn, vì bên mua sẽ không trả giá quá cao, NĐT ngắn hạn nếu có lãi 5-10% cũng sẽ tiến hành chốt lãi.
Điểm tích cực có thể kỳ vọng là khi tâm lý được ổn định, các đợt bán tháo khó diễn ra, trường hợp CP tốt giảm giá 5-10% có thể xuất hiện lực mua vào. Điều này đã được kiểm chứng vào nửa cuối tháng 7, khi lần đầu tiên VN Index tiến đến vùng 950 điểm bất thành và lui về 930 điểm, rồi sau đó phục hồi và vượt ngưỡng 950 điểm. Nếu chỉ số chứng khoán là hệ quả của biến động giá CP cũng như cung cầu, tại thời điểm này cũng có thể xảy ra tác động ngược. Theo đó, diễn biến của VN Index có thể tạo ra biến thiên đáng kể cho dòng tiền tham gia thị trường.

Khoảng 10 phiên gần nhất, với diễn biến đi lên của VN Index cũng như VN30, những người mua (long) phái sinh tất nhiên có lợi trong khi phe bán (short) có thể gặp bất lợi. Nhưng nếu theo dõi diễn biến VN Index hay VN30 trong từng phiên sẽ thấy, dù diễn biến có vẻ có lợi cho cả bên long và short, để hiện thực hóa cơ hội không đơn giản.
Đơn cử ngày 23-7, VN Index tăng từ 933 điểm lên gần 950 điểm tưởng như sẽ có lợi cho hoạt động mua phái sinh, nhưng những diễn biến trong phiên chiều khi đà tăng của VN Index bị hãm lại chỉ tăng 3 điểm lên 936 điểm, lại có lợi cho bên bán. Những biến động khó lường của chỉ số CK trong xu hướng đi ngang, hoặc tăng chậm có thể khiến những người tham gia phái sinh cảm thấy “khó chơi” và dòng tiền lúc này sẽ có sự cân nhắc quay về với cơ sở nếu thấy phù hợp. 

 

Tác giả bài viết: Đại Ngàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay572
  • Tháng hiện tại24,301
  • Tổng lượt truy cập1,379,922
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây