Áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, gần 5 năm trở lại đây, công tác quản lý bảo vệ rừng tại huyện Đăk Glei - huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên phát huy rất hiệu quả. Điển hình nhất phải kể đến công tác gìn giữ, bảo tồn rừng, hệ sinh thái và các loại dược liệu quý đặc hữu Việt Nam trên "nóc nhà Tây Nguyên" - Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh...
Người dân đi tuần tra bảo vệ rừng. |
Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Kon Tum, toàn H. Đăk Glei có hơn 100.000 ha rừng thì Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh đang quản lý hơn 1/3 diện tích, trong đó phần lớn đã được các đơn vị chủ rừng giao khoán cho các hộ, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư tại chỗ. Từ chính sách giao khoán, chi trả dịch vụ môi trường rừng mang thêm sinh kế cho người dân, việc giữ rừng đã phát huy hiệu quả tốt, tình trạng khai thác gỗ trái phép, đốt nương làm rẫy giảm hẳn. Vừa đến chân núi Ngọc Linh, chúng tôi bắt gặp 3 nhóm với hơn 40 người là dân tộc Giẻ Triêng, làng Đăk Gley, xã Đăk Choong bắt đầu hành trình đi tuần tra, bảo vệ rừng. Hành trang mọi người mang theo bên mình là cơm nắm, dao rựa. Họ thoăn thoắt phát cỏ, cây lau lách bên đường mòn vào rừng. Như lời anh A Kút, sở dĩ rừng Ngọc Linh còn những mảng xanh tốt như vậy là thành quả của hơn 10 năm bà con dân làng Đăk Glei tham gia giữ rừng. Anh Kút bảo, ngày xưa hầu hết bà con đều đi phát rừng làm rẫy, khai thác cây rừng để bán kiếm tiền, nhưng từ khi Nhà nước có chính sách giao khoán cho các hộ, nhóm hộ quản lý bảo vệ bằng hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng của bà con nâng cao rõ rệt. "Có rất nhiều khu rừng ở Ngọc Linh trước đây bị người dân đi phát rẫy phá tan hoang, nay mảng xanh đã phục hồi trở lại. Ngày đêm, các nhóm gia đình chia nhau canh giữ rừng nghiêm ngặt. Ai cũng bảo, khi có được sinh kế từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con tích cực bảo tồn sẽ có lợi rất nhiều về sau"-anh Kút nói.
Tổ phó Tổ quản lý bảo vệ rừng làng Đăk Glei - ông A Điêng cho hay, hai năm trở lại đây, bà con trong làng đã nhận khoán quản lý bảo vệ khoảng 800ha rừng thuộc Tiểu khu 53, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh. Để bảo vệ hiệu quả diện tích rừng này, hơn 180 hộ dân trong làng chia thành 6 nhóm luân phiên tuần tra, kiểm tra. Ban đầu, theo nhiệm vụ phân công thì công tác tuần tra bảo vệ được thực hiện vào sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, nhưng từ đầu năm 2018 này, lịch tuần tra tổ chức dày hơn, từ 3-4 ngày một lần. Ngoài ra, mỗi khi nhận được thông tin có người khả nghi xâm hại rừng, bà con sẵn sàng lên đường tuần tra lúc nửa đêm. Theo ông Điêng, do diện tích rừng bà con trong làng quản lý trước đây có nhiều người lạ ra vào khai thác gỗ nên bà con trong làng thực hiện "chiến thuật" chia tổ đi lần lượt thành vòng tròn, đi thường xuyên, nên gần đây không có ai xâm phạm vào rừng nữa. Không chỉ tuần tra giữ rừng, các tổ bảo vệ rừng, thôn còn làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân nên tình trạng khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ, nạn săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã, hành vi lấn chiếm đất rừng để sản xuất gần như không còn.
Phút nghỉ ngơi của những người tham gia tuần tra bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. |
Ông Lê Mạnh Tiến, Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh Khu cho biết, đơn vị đang quản lý gần 38.000 ha rừng thì có đến gần 90% diện tích đều đang cung ứng dịch vụ môi trường rừng đối với hai lưu vực quan trọng của 2 thủy điện Ia Ly và Đăk Mi 4. Đây là một trong những đơn vị nhận được số tiền dịch vụ môi trường rừng lớn nhất tỉnh Kon Tum cũng như khu vực Tây Nguyên. Nếu như năm 2017, Ban quản lý nhận được gần 14 tỷ đồng để chi trả cho chương trình này thì năm 2018 theo điều chỉnh từ Nghị định 147 của Chính phủ, mức chi trả cho dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh, đơn vị sẽ nhận được gần 19 tỷ đồng. Cũng theo ông Tiến, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng mới, hiện BQL đã thực hiện giao khoán bảo vệ 15.000ha cho 49 cộng đồng dân cư là bà con dân tộc thiểu số tại chỗ sống gần rừng với đơn giá tối thiểu là 400.000 đồng/ha/năm. Từ nay đến cuối năm 2018, dự kiến sẽ tiếp tục giao khoán thêm gần 10.000ha nữa cho 30 cộng đồng. "Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy rõ, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách ưu việt, tạo nguồn lực cho đơn vị triển khai công tác quản lý bảo vệ quản lý rừng hiệu quả hơn. Ý thức và tinh thần trách nhiệm quản lý rừng của người dân nâng lên rõ rệt. Hàng tuần, mỗi tháng, các tổ đội, cộng đồng bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức lực lượng chuyên trách tuần tra trên diện rộng diện tích được giao khoán. Kinh phí chi trả cho dịch vụ môi trường rừng chính là nguồn lực quan trọng để BQL phối hợp với nhân dân thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững nhất" - ông Tiến khẳng định.
Nói về việc thu hút người dân, các cộng đồng gần Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh tham gia giữ rừng, ông Lê Tiến Trung, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Trưởng Ban chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng H. Đăk Glei, cho rằng, đây là chính sách và là nguồn lực quan trọng để huyện thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng tại khu bảo tồn này. Với người dân, ai cũng hiểu rõ việc thừa hưởng chính sách để bảo vệ rừng là một sinh kế mới. Họ cũng hiểu, đặc thù ở vùng đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nếu mọi người gắn kết tốt tính cộng đồng, mảng xanh của "nóc nhà Tây Nguyên" sẽ được giữ bền lâu. Đúng là từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở H. Đăk Glei nói chung, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh nói chung đã và đang phát huy hiệu quả. Ở đó, người dân, cộng đồng đã thực sự làm chủ được nhiều diện tích rừng, giữ vững chãi mảng xanh cho đại ngàn Tây Nguyên.
Tác giả bài viết: CÔNG HẠNH - DOÃN HÙNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn