Báo cáo về sai phạm của từng cá nhân được các sở, ngành chỉ ra khá chi tiết, cụ thể, nhưng việc xử lý lại dây dưa kéo dài. Điển hình như trường hợp ông B.N.Đ. (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), trên diện tích 400 m2 đất mà gia đình ông sử dụng xây dựng nhà ở có 150 m2 diện tích đất lấn chiếm nằm trong dự án khu dân cư. Mặc dù hành vi xây dựng trái phép này đã được chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính, nhưng sau đó gia đình ông vẫn tiếp tục xây dựng trót lọt. Vụ việc kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm vì công trình xây dựng trên đất là nhà cấp III kiên cố, việc cưỡng chế sẽ ảnh hưởng đến phần tài sản của người dân được xây dựng trên phần đất không lấn chiếm. Các sở, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm phương án giải quyết nhưng từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Một khu dân cư phát triển ngoài quy hoạch ở khu vực xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. |
Hay như trường hợp ông P.V.P. cũng ở phường Tân Hòa, lấn chiếm đất hành lang an toàn giao thông để xây dựng nhà ở trái phép từ năm 1998 nhưng mãi đến năm 2014, phường Tân Hòa mới phát hiện, vận động tháo dỡ. Trong quá trình xử lý cũng đã để xảy ra nhiều thiếu sót dẫn đến khiếu kiện kéo dài từ phía gia đình ông P. mà tỉnh đã phải chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Cùng với gia đình ông P., khu vực này có trên 10 hộ gia đình cũng có những vi phạm tương tự...
Có ý kiến cho rằng, để tránh khiếu kiện, khiếu nại phức tạp kéo dài, đối với trường hợp gia đình ông Đ., cần hợp thức hóa bằng cách giao diện tích đất cho người lấn chiếm và có thu tiền sử dụng đất với mức giá thị trường của đất khu vực liền kề. Đối với trường hợp ông P. và những hộ dân khu vực xung quanh, điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp với thực tế và hiện trạng sử dụng đất, sau đó cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Quan điểm xử lý này đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và nhiều người phản bác, bởi nếu giải quyết kiểu “tặc lưỡi” cho qua như thế không những là không đúng quy định của pháp luật mà còn để lại những hệ lụy khôn lường, trở thành tiền lệ xấu khi xử lý những trường hợp vi phạm khác.
Rõ ràng, việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông là vi phạm pháp luật. Mà đã vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng chỉ cần căn cứ theo quy định để xử lý. Câu hỏi đặt ra là tại sao những công trình xây dựng lấn chiếm đất trái phép đua nhau mọc lên mà chính quyền sở tại không hề hay biết, hoặc một số trường hợp địa phương đã phát hiện sai phạm, có ban hành các quyết định xử lý vi phạm nhưng rồi công trình trái phép vẫn cứ được tiếp tục xây dựng, ngang nhiên tồn tại để lại nhiều hệ lụy cho việc xử lý về sau?
Thực tế cho thấy, một số chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng đã "tự làm khó mình". Chính vì buông lỏng quản lý, thiếu sự kiên quyết, thậm chí “cả nể” trong quá trình thực thi công vụ đã dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép, không phép, không đúng quy hoạch, sai kế hoạch xảy ra tràn lan. Và hậu quả là, một người xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp kéo theo cả một khu đất nông nghiệp đó trở thành khu dân cư...
Không khó để tìm ra những “con voi chui lọt lỗ kim” như thế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột! Đây chính là một trong những vấn đề nhức nhối trong câu chuyện quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng của quá trình phát triển đô thị hiện nay.
Lê Hương
Nguồn tin: baodaklak.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn