Các ông lớn thương mại điện tử ồ ạt đầu tư cửa hàng, siêu thị Dự án “chuối chiên” gọi vốn thành công 2,3 tỉ đồng Samsung “học lóm” sách lược của các đối thủ Trung Quốc tại thị trường Ấn Độ

Thứ năm - 02/08/2018 18:44
Hai công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba và JD.com đang ồ ạt đầu tư vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tốc độ chóng mặt, theo The Wall Street Journal.
Khách hàng chọn hải sản tươi sống ở một siêu thị Hema của Alibaba tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Alibaba đầu tư mạnh mẽ vào kênh bán hàng trực tiếp

Năm ngoái, Alibaba thâu tóm công ty bất động sản bán lẻ Intime Retail sở hữu 30 khu mua sắm và 32 cửa hàng bách hóa ở Trung Quốc. Tập đoàn này cũng đã mua cổ phần trong các chuổi bán lẻ lớn chẳng hạn như công ty bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng Suning Commerce Group, công ty kinh doanh nội thất và thiết bị xây dựng Beijing Easyhome.

Để mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm ở Trung Quốc, Alibaba đã thành lập và vận hành chuỗi siêu thị cao cấp Hema với 57 siêu thị. Tập đoàn thương mại điện tử này được cho là có kế hoạch mở hàng ngàn siêu thi Hema trong vòng năm năm tới.

Alibaba cũng đã mua cổ phần ở các chuỗi siêu thị và cửa hàng thực phẩm như Lianhua Supermarket và Sun Art Retail đang quản lý ngàn siêu thị và cửa hàng.

“Trong lĩnh vực bán lẻ, chúng tôi dự báo thói quen mua sắm của khách hàng đang thay đổi, đồng thời, các kỳ vọng về chất lượng phục vụ và tính tiện lợi trong mua sắm ngày càng tăng dù người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hay ở các cửa hàng trực tiếp”, Joseph Tsai, phó chủ tịch Alibaba, nói vào hồi tháng 5.

JD.com mở 1.000 cửa hàng mới mỗi ngày

Một cửa hàng tiện lợi nhượng quyền của JD.com ở TP. Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Trong khi đó, JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp lớn nhất Trung Quốc nếu xét theo doanh thu, đã khai trương hàng ngàn cửa hàng tiện lợi nhượng quyền trong hai năm qua và hợp tác với các chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart, 7-Eleven và Lawson.

“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng cửa hàng tiện lợi JD.com với mật độ 300m một cửa hàng (ở các thành phố)”, Giám đốc điều hành JD.com Richard Liu nói tại một hội nghị công nghệ ở Trùng Khánh hồi tháng 4.

JD.com đang mở cửa hàng tiện lợi nhượng quyền với tốc độ 1.000 cửa hàng/tuần. Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là mở 1.000 cửa hàng mới mỗi ngày vào cuối năm 2018”.

Cuối năm ngoái, JD.com công bố kế hoạch đầy tham vọng mở một triệu cửa hàng tiện lợi nhượng quyền trong năm năm tới. 50% trong số này sẽ nằm ở các khu vực hẻo lánh và nông thôn.

Những người muốn mở cửa hàng tiện lợi nhượng quyền của JD.com có thể xin vay tiền từ đơn vị tài chính của tập đoàn này. Ngoài ra, JD.com cũng khuyến khích các cửa hàng tạp hóa chuyển sang sử dụng thương hiệu của họ để được tiếp cận mạng lưới kho vận khổng lồ và hàng trăm ngàn sản phẩm từ các đối tác cũng như kinh nghiệm quản lý của JD.com

JD.com cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào một hệ thống siêu thị thực phẩm tươi có tên gọi 7Fresh. Tập đoàn này đang lên kế hoạch khai trương 100 siêu thị 7Fresh vào cuối năm nay. Không chỉ dừng lại ở đó, JD.com đang muốn nâng số cửa hàng đồ gia dụng nhượng quyền thương hiệu JD.com từ 8.000 hồi tháng 4 lên 15.000 vào cuối năm nay.

Lợi ích của kết hợp bán lẻ trực tuyến và trực tiếp

Các chuyên gia bán lẻ ghi nhận bán lẻ trực tiếp và bán lẻ ở cửa hàng truyền thông không nhất thiết phải loại trừ nhau. Nhiều nhà bán lẻ cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc vừa cung cấp cho khách hàng tính tiện lợi của thương mại điện tử vừa mang lại cho họ sự hài lòng ngay lập tức và những trải nghiệm mua sắm nâng cao mà các cửa hàng tạo ra. Chẳng hạn như tại siêu thị Hema của Alibaba, khách hàng có thể mua thực phẩm bằng cách dùng điện thoại scan các mã vạch trên sản phẩm và thanh toán bằng ví điện tử Alipay.

Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc cũng đang thử nghiệm các công nghệ mới để nâng cao các chiến lược kết hợp bán lẻ trực tuyến và trực tiếp. JD.com đã triển khai thiết bị bay không người lái giao hàng ở các vùng nông thôn tại các tỉnh Giang Tô, Thiểm Tây, và Tứ Xuyên, giúp mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng và tìm ra những những địa điểm mới để đặt các cửa hàng trực tiếp trong tương lai. Alibaba và JD.com cũng đang cung cấp cho khách hàng ở một số cửa hàng của họ phương thức thanh toán thông qua nhận diện khuôn mặt.

“Chúng tôi nghĩ rằng Alibaba và Tencent (cổ đông lớn nhất của JD.com) có ưu thế lớn về công nghệ, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng đối với các chuỗi siêu thị” James Hawkey, giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ ở công ty quản lý đầu tư JLL China, nói.

Melina Cordero, giám đốc mảng nghiên cứu bán lẻ ở công ty tư vấn bất động sản CBRE nhận định các công ty thương mại điện tử có lợi thế về dữ liệu khách hàng, chẳng hạn, nhờ hoạt động giao hàng, họ biết khách hàng ở một khu vực cụ thể thích mua sắm loại sản phẩm nào. Vì vậy, họ biết nên mở cửa hàng ở khu vực nào và nên cung cấp những sản phẩm nào cho cửa hàng đó.

Tại Mỹ, Amazon đã khai trương cửa hàng không quầy thu ngân đầu tiên có tên gọi Amazon Go, như là một phần của chiến lược mở rộng vào ngành kinh doanh thực phẩm. Các camera và cảm biến sẽ tự động ghi nhận các món hàng là người mua lấy ra khỏi kệ và tính tiền thông qua smartphone khi họ bước ra khỏi cửa hàng.

Amazon ghi nhận rằng nhiều khách hàng thích chạm và lựa chọn các rau quả và trái cây tươi. Ngoài ra, Amazon cũng lấn sân qua kênh bán hàng trực tiếp vào năm ngoái thông qua quyết định chi 13,7 tỉ đô la để thâu tóm chuỗi cửa hàng thực tươi Whole Foods với hơn 460 cửa hàng trên toàn nước Mỹ

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay42
  • Tháng hiện tại32,156
  • Tổng lượt truy cập1,632,832
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây