Theo Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu, thuộc đối tượng của Nghị định 116 /2017 NĐ-CP của Bộ GTVT, ngay trong mục: “Giải thích từ ngữ”, cơ quan soạn thảo đã đưa ra giải đáp rõ ràng, chi tiết thế nào là “ô tô cùng kiểu loại”.
Cụ thể, “ô tô cùng kiểu loại, chỉ khác nhau về tính tiện nghi và thẩm mỹ, còn giống nhau về loại phương tiện, nhãn hiệu, tên thương mại, mã kiểu loại, nhà máy sản xuất, kiểu dáng, kết cấu của cabin, khung hoặc thân vỏ xe, các thông số kỹ thuật cơ bản, trang thiết bị đặc trưng”.
Và quy định rõ: “Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu là kết quả kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận của cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài về chất lượng an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu vào Việt Nam”.
Xe nhập giá rẻ khó về
Một số DN nhập khẩu ô tô cho rằng, quy định về kiểu loại ô tô như trên, nếu được áp dụng, sẽ gây khó khăn với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Xe nhập bị vướng chướng ngại vật, ô tô hết đường giảm giá
Điều đó cũng có nghĩa, xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam sẽ phải đúng như những gì ghi trong Giấy chứng nhận về chất lượng an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước sản xuất, Giám đốc đối ngoại 1 DN ô tô FDI cho biết.
Với xe có xuất xứ từ châu Âu, Mỹ, nhập về sẽ không có chuyện cắt bỏ hàng loạt trang thiết bị (option) liên quan đến kỹ thuật và an toàn của xe, cho dù không cần thiết với thị trường Việt Nam, như trước nữa.
Chẳng hạn, khi Việt Nam còn áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2, tại châu Âu, Mỹ đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5-6. Nhập nguyên những chiếc xe động cơ tiêu chuẩn Euro 5-6 về, sẽ không tương thích với nhiên liệu Euro 2 tại Việt Nam, dễ gây ra sự cố. Vì vậy, các nhà nhập khẩu thường phải đặt riêng một loại động cơ phù hợp với tiêu chuẩn nhiên liệu tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều tính năng và trang bị khác trên ô tô cũng bị cắt bỏ, như số lượng túi khí, thay vì 10-12 túi như các mẫu xe Âu, Mỹ, về Việt Nam chỉ còn 4-6 túi; hệ thống định vị vệ tinh, kết nối thiết bị giao thông trên đường,... cũng bị bỏ và chiếc xe không còn đầy đủ như phiên bản ở nước ngoài (full-option).
Với quy định mới của Bộ GTVT, những tính năng liên quan tới trang bị an toàn, kỹ thuật sẽ phải giữ nguyên, chỉ được cắt giảm những thiết bị liên quan đến tiện nghi, như nội thất, hộp lạnh, điều hòa chiều nóng, hệ thống âm thanh,... Động cơ cũng phải giữ nguyên tiêu chuẩn Euro 5-6. Nếu đặt riêng động cơ Euro 4 cho phù hợp với điều kiện Việt Nam thì phải được cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài kiểm tra, thử nghiệm, cấp Giấy chứng nhận.
Không những thế, những xe này còn phải cùng được sản xuất từ một nhà máy. Nếu xe sản xuất tại nhà máy A, lại dùng Giấy chứng nhận cấp cho xe sản xuất tại nhà máy B, cũng không được chấp nhận. Cho dù nhà máy A và B đều thuộc một tập đoàn và sản xuất ra những chiếc xe giống nhau hoàn toàn.
Như vậy, với xe có xuất xứ từ châu Âu, Mỹ nhập về Việt Nam, dự kiến giá sẽ tăng cao do phải giữ nguyên các trang bị. Xe dễ bị sự cố nếu là động cơ tiêu chuẩn khí thải Euro 5-6, làm tăng chi phí bảo hành bảo dưỡng khi vận hành.
Với xe nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ phải sử dụng Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cấp cho xe châu Âu, Mỹ vì cùng tay lái thuận. Nhưng như vậy thì xe nhập về Việt Nam cũng sẽ giống hệt như xe xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và động cơ cũng đều theo tiêu chuẩn Euro 5-6, các option cũng phải giữ nguyên, không được cắt bỏ. Như vậy, cũng sẽ gặp những vấn đề giống xe châu Âu, Mỹ khi về Việt Nam.
Còn với xe nhập từ khu vực Đông Nam Á (chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đều là xe tay lái nghịch. Những xe này được cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại với tay lái nghịch, từ nước sở tại, sẽ không thể nhập về Việt Nam.
Hiện chỉ có 3 DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đạt các điều kiện đặt ra và được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện (ảnh minh họa).
Để có xe tay lái thuận thì phải đặt hàng nhà sản xuất. Tuy nhiên, đặt hàng xe tay lái thuận rồi, lại phải xin được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, từ các cơ quan chức năng nước sản xuất đi kèm. Một số DN ô tô FDI cho biết, đã trao đổi với phía Thái Lan, Indonesia,... để xin Giấy chứng nhận này. Tuy nhiên, để đáp ứng được họ cần sửa luật. Bởi, các nước này, từ trước đến nay, chỉ cấp chứng nhận chất lượng cho xe lưu hành trong nước mà cụ thể là xe tay lái nghịch. Như vậy, sẽ phải chờ đợi, không biết đến khi nào luật mới được sửa.
Nhập khẩu ô tô dự báo sẽ khó khăn, nhất là với dòng xe bình dân từ khu vực ASEAN, có giá rẻ, được nhiều người tiêu dùng mong đợi. Bởi chưa có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, chưa thể nhập về.
Ô tô 2018 không giảm giá?
Một số DN dự báo, năm 2018 ô tô sẽ không giảm giá. Xe nhâp khẩu từ ASEAN giá rẻ khó có cơ hội tràn vào Việt Nam. Những xe nhập từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,... giá tăng cao, chỉ người giàu mới có tiền để mua.
Như vậy, chỉ còn xe sản xuất lắp ráp trong nước. Từ năm 2018, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ được đưa về mức 0%. Tuy nhiên, không phải DN sản xuất, lắp ráp ô tô nào cũng được hưởng mức thuế ưu đãi này.
Hiện chỉ có 3 DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đạt các điều kiện đặt ra và được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện. Những DN này đã công bố giảm giá bán một loạt mẫu xe năm 2018, áp dụng từ đầu tháng 11/2017.
Mức giảm giá từ 3-10% tùy từng mẫu xe, bao gồm giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện về 0% và thuế tiêu thụ đặc biệt, dành cho dòng xe từ 2.0L trở xuống, giảm thêm 5% nữa.
Những DN còn lại, đang lắp ráp xe trong nước, không được hưởng ưu đãi thuế với linh kiện, nên giá xe không có nhiều thay đổi. Chỉ có thể được giảm thêm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe từ 2.0L trở xuống, như vậy mức giảm giá là không dáng kể và giá xe sẽ không có điều kiện để giảm thấp hơn nữa vào năm 2018.
Theo Trần Thủy
Vietnamnet
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn