Nữ giám đốc chiếm đoạt 2.660 lượng vàng
Ngày 5/12, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản, đưa và nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành).
Vụ án có tất cả 11 bị cáo, trong đó có 6 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Bến Thành. Cả 6 cán bộ của Agribank Bến Thành đều bị truy tố về tội tham ô tài sản. Nếu bị kết án, nhóm cán bộ này đối diện mức án phạt cao nhất lên đến tử hình. Vụ án này đã kéo dài 7 năm nay với nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, năm 2008, Nguyễn Thị Hoàng Oanh được bổ nhiệm làm giám đốc Agribank Bến Thành. Từ khi được bổ nhiệm, Oanh đã câu kết với em rể là Trương Thế Thanh (nguyên trưởng phòng Kế hoạch - kinh doanh Agribank Bến Thành) thực hiện hàng loạt sai phạm để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, Oanh đã dùng tên của 8 cá nhân, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập khống các hồ sơ vay tiền, vàng của ngân hàng để chiếm đoạt.
Với thẩm quyền của mình, Oanh đã duyệt cho vay tổng cộng 2.660 lượng vàng SJC (tương đương hơn 47 tỉ đồng, thời giá lúc xảy ra vụ án) của Agribank Bến Thành.
Số tiền vay được, Oanh dùng để sử dụng mục đích cá nhân và mua nhà tại quận 1, TPHCM. Sau đó, Oanh dùng chính căn nhà này cho ngân hàng thuê làm trụ sở với giá 5.800 USD/tháng. Tính đến tháng 4/2013, Agribank Bến Thành đã phải trả cho Oanh 5,6 tỉ đồng tiền thuê căn nhà mà Oanh dùng tiền vay ngân hàng để mua.
Khi đến hạn phải trả nợ số vàng trên, Oanh chỉ đạo em rể và cấp dưới dùng Công ty TNHH Liên Lục Địa cùng tên một số cá nhân, doanh nghiệp khác để lập các hợp đồng vay tiền, vàng của Agribank Bến Thành nhằm mục đích đảo nợ.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Hoàng Oanh khai đã sử dụng hết số tiền chiếm đoạt của ngân hàng mà không chia cho bất cứ người nào.
Cho vay sai quy định để hưởng lợi
Năm 2009, Nguyễn Thị Hoàng Oanh còn ký duyệt cho Trương Thế Thanh vay 13 tỉ đồng mặc dù không hề có tài sản đảm bảo.
Toàn bộ số tiền này Thanh đều sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi đến hạn trả nợ, Oanh ký tiếp các hồ sơ do Thanh lấy tên người khác vay tiền ngân hàng với mục đích đảo nợ.
Viện KSND tối cao nhận định Trương Thế Thanh đã ký hợp lý hóa các hồ sơ khống giúp sức cho Oanh tham ô tài sản, đồng thời Thanh đã lấy tên người khác tham ô 13 tỉ đồng của ngân hàng. Tuy nhiên, Thanh đã chết vì bệnh nên Viện KSND tối cao đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can.
Cũng trong năm 2009, Lê Văn Tính (ngụ quận 3) đã nhờ người quen giới thiệu gặp mặt Oanh nhằm mục đích vay tiền.
Biết mình không đủ điều kiện vay vốn nên Tính đã chấp nhận điều kiện do Oanh đưa ra: ngân hàng cho Tính vay vàng nhưng thực tế Oanh sẽ lấy vàng, đưa lại tiền cho Tính. Mỗi lượng vàng có giá trị 21 triệu đồng nhưng Oanh chỉ đưa cho tính 19 triệu đồng. Phần chênh lệch Oanh được hưởng.
Tổng cộng Agribank Bến Thành cho Lê Văn Tính vay hơn 137 tỉ đồng nhưng Tính chỉ nhận được 112 tỷ đồng. Oanh chiếm hưởng 24 tỉ đồng còn lại. Hành vi này của Nguyễn Thị Hoàng Oanh bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Số tiền vay được, Tính không sử dụng đúng mục đích mà dùng phần lớn cho người khác vay lại với lãi cao, mua bán bất động sản dẫn đến mất khả năng trả nợ. Khi đến hạn trả nợ, Oanh lại chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục ký tiếp các hợp đồng mới để Tính có tiền trả khoản nợ cũ.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, tổng số tiền và vàng Lê Văn Tính nợ của Agribank Bến Thành là hơn 300 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản đảm bảo tiền vay của Tính chỉ khoảng 88 tỉ đồng.
Viện KSND tối cao xác định Lê Văn Tính hiện không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Agribank.
Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản chánh tòa hình sự làm chủ tọa. Theo dự kiến phiên tòa kéo dài tới ngày 15/12.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn