Hồ tập bơi cho trẻ em và học sinh trên địa bàn huyện Tuy Đức... |
Theo phản ánh, vào tháng 5/2013, UBND huyện Tuy Đức thống nhất chủ trương cho đầu tư xây dựng công trình “Hồ tập bơi cho trẻ em và học sinh trên địa bàn huyện Tuy Đức” (tại thôn 2, xã Đắk Buk So). Mục đích của công trình là tổ chức dạy bơi cho trẻ em và học sinh, nhằm ngăn ngừa tình trạng trẻ em liên tục bị đuối nước trên địa bàn. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 15/7/2014, hoàn thành vào ngày 15/9/2014, với tổng kinh phí 730 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện và xã hội hóa.
Tuy nhiên, công trình vừa hoàn thành (tháng 9/2014) sau đó “đắp chiếu”, bỏ hoang. Mãi đến giữa năm 2017, lúc này Phòng Văn hóa Thông tin huyện bố trí được ít kinh phí, mời thày về dạy, học bơi được 1 tháng cho khoảng 60 em học sinh tiểu học. Khóa học diễn ra chóng vánh, vỏn vẹn trong vòng 1 tháng rồi công trình tiếp tục “đắp chiếu”, bỏ hoang cho đến nay, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và bức xúc cho người dân địa phương.
Nhà thay đồ được đầu tư hàng trăm triệu đồng nay cũng “đắp chiếu”, nhếch nhác |
Theo thống kê của Sở LĐ, TB&XH Đắk Nông: Trong 3 năm 2015 - 2017, mỗi năm, Đắk Nông có khoảng 30 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tháng nào, tại Đắk Nông cũng xảy ra tai nạn này. Trong đó, thương tâm nhất là vụ đuối nước xảy ra vào trưa 9/5, tại xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức) khiến 4 học sinh tử vong và 2 em khác bị thương. |
Theo ghi nhận của PV, hồ bơi rộng khoảng 70m2, sau nhiều năm bỏ hoang hiện đã xuống cấp, cũ kĩ, chứa toàn rác thải, bao nilon. Các thanh sắt của nhà che đã hoen gỉ. Hai phòng thay đồ gần đó tường phủ rêu và bong tróc, hệ thống cửa và vòi tắm bên trong hư hỏng.
Ông Phan Xuân Thạch, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tuy Đức cho biết: Dù đầu tư hồ bơi nhưng lại không có nguồn nước bơm vào bể. Năm 2017, thấy bể bơi bỏ không, Phòng Văn hóa - thông tin đã bố trí kinh phí chi thường xuyên tổ dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, nước bơm vào bể phải lấy nguồn giếng nước sinh hoạt, bơm liên tục 3 ngày mới đầy hồ bơi. Học bơi được 1 tuần thì nước bẩn, ô nhiễm phải xả và chờ để vệ sinh. Ngoài ra, hồ bơi thiết kế hệ thống xả nổi, mỗi lần xả phải vác cuốc đào mương cho nước chảy.
Đặt câu hỏi trách nhiệm với chủ đầu tư công trình là Phòng LĐ, TB&XH huyện, Trưởng phòng Nguyễn Thị Nhàn lý giải: Sau khi hoàn thành, công trình được giao cho Phòng Văn hóa Thông tin quản lý. Do không bố trí được kinh phí nên phải ngưng hoạt động. Cơ quan này đã tham mưu cho UBND huyện biện pháp đưa bể bơi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, sắp tới UBND huyện sẽ bố trí kinh phí, đồng thời giao cho Huyện Đoàn và phối hợp với Phòng Giáo dục huyện, quản lý khai thác sử dụng công trình trên cho hiệu quả.
Tác giả bài viết: Ngọc Hùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn