Dự án hồ Ea Tam có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng và dự án Đại lộ Đông – Tây Buôn Ma Thuột được phê duyệt mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Cả 2 dự án này đang thiếu đất đắp nên một số hạng mục phải tạm dừng. Chủ đầu tư và đơn vị thi công đều phải chờ tìm nguồn đất mới thi công tiếp được.
Ông Hoàng Đình Chương, Giám đốc Công ty xây dựng An Nguyên cho biết doanh nghiệp của ông đang đảm nhận thi công một phần gói thầu số 4 của dự án Đại lộ Đông Tây Buôn Ma Thuột với chiều dài khoảng 10km, hiện gói thầu này đang thiếu khoảng 200.000 m3 đất.
Gói thầu số 4 tại dự án Đại lộ Đông Tây do Công ty An Nguyên thi công đang thiếu khoảng 200.000 m3 đất đắp.
“Đây là vấn đề nan giải, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Trong thiết kế là cần 1 triệu mét khối đất nhưng đang thiếu 200.000 m3 vì không có mỏ mà giờ chưa biết tìm ở chỗ nào”, ông Chương lo lắng.
Còn tại dự án hồ Ea Tam, ban đầu định lấy đất trong vùng dự án, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư muốn giữ lại nguyên trạng của hồ nên buộc phải tìm đất đắp bù vào cho dự án. Hiện các đơn vị liên quan đã tìm được mỏ đất đáp ứng được yêu cầu và đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt.
Nếu không tìm được đất đắp, 2 dự án nghìn tỷ có nguy cơ chậm tiến độ.
Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột xác nhận thông tin 2 dự án trọng điểm trên đang thiếu đất đắp. Ông Hưng cho hay, do một số bất cập giai đoạn trước đây chưa quy hoạch các mỏ đất tại thành phố nên khi triển khai các dự án bị thiếu nguồn đất rất lớn, việc xử lý tình trạng này cần nhiều thời gian.
Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột chia sẻ thêm, hiện địa phương đang tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để sớm giải quyết vấn đề này, nhanh chóng triển khai dự án theo đúng tiến độ.
“Tại hồ Ea Tam, các đơn vị thi công đã khảo sát và đang hoàn thiện xin cấp phép mỏ đất ở đường 19/5, phường Ea Tam. Còn dự án Đại lộ Đông Tây đã có đất trong khu xây dựng nghĩa trang xã Hòa Thắng, các đơn vị bắt đầu triển khai lấy đất về đắp cho công trình”, ông Hưng thông tin.
Ông Hưng khẳng định việc thiếu đất đắp tạm thời sẽ chậm tiến độ một số hạng mục chứ không làm chậm tiến độ cả dự án.
Ông Lê Khắc Đô, Trưởng phòng khoáng sản – Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết: “Giai đoạn trước đây, nhu cầu về đất san lấp chưa được quan tâm dẫn đến trong các quy hoạch cũ toàn tỉnh không có mỏ đất nào. Việc khai thác đất chủ yếu tận dụng từ các dự án, công trình khác hoặc từ tầng phủ các mỏ đá nhưng khối lượng đất không đủ cho hàng loạt công trình, dự án đang triển khai như hiện nay.
Vào tháng 2/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch khoáng sản, cập nhật 59 mỏ đất với khối lượng ước tính khoảng 20 triệu mét khối, cơ bản đáp ứng cho các dự án, công trình. Tuy nhiên, quy trình thời gian để cấp phép một mỏ đất cần 7 – 8 tháng, một số dự án có thể bị chậm tiến độ vì thời gian quá dài”.
Theo Hải Dương/ Infonet
Nguồn tin: diendantaynguyen.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn