Chiêu đón đầu lợi ích
Nhắc đến dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), có quy mô lập quy hoạch 186,49ha đều là đất trồng lúa, nhưng tỉnh lại giao cho chủ đầu tư khi chưa được phép của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Đực - chuyên gia bất động sản cho rằng đây là việc làm trái quy định của pháp luật, ăn cơm trước kẻng.
Trao đổi với Đất Việt, ông Đực phân tích rõ: "Trường hợp này tương đối phức tạp, nguyên tắc khi đụng tới đất nông nghiệp, đất trồng lúa phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nếu trên 10ha địa phương không được quyền quyết định.
Cụ thể, Luật Đất đai 2013 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ đất trồng lúa.
Sai phạm tại KĐT Thương mại Vĩnh Tường? |
Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản như:
Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên.
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa.
Như vậy, tháng 7/2018 Thủ tướng mới đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng gần 200ha đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, trong khi, dự án trên dự án trên đã triển khai lấy đất, đền bù, tổ chức quy hoạch, khởi động san lấp mặt bằng là không phù hợp Luật.
Ở đây có thể thấy rõ sự khôn khéo của chủ đầu tư vì nếu đợi Thủ tướng cho phép biến gần 200 ha đất nông nghiệp trên thành đất đô thị thì tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho dân đang sinh sống khu vực này sẽ cao lên.
Nhưng họ đền bù trước cho dân với diện tích đất nông nghiệp giá đền bù rất rẻ. Thậm chí không loại trừ trường hợp chủ đầu tư họ thu gom một diện tích đất nông nghiệp nào đó, rồi xin phép Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đây là thủ thuật đi tắt đón đầu lợi ích của chủ đầu tư. Bởi theo thông lệ bình thường, chủ đầu tư xin phép mà không cho thì người dân sẽ kéo giá đất lên cao hơn, chủ đầu tư sẽ không có lợi".
Bên cạnh đó, theo ông Đực, đất nông nghiệp thì có thể chỉ đền bù 100.000đ/m2, chủ đầu tư có thể mua cả 100ha, rồi lên kế hoạch xin dự án. Còn ngược lại, nếu xin dự án được phê duyệt chủ trương thì chắc chắn người dân sẽ đòi lên 200.000đ-300.000đ/m2 là điều bình thường.
Ai sai đều phải trả giá
Ở góc độ khác, ông Đực cho rằng, không có chuyện vô tình, nhà đầu tư bất động sản cực kỳ khôn ngoan và lanh lợi để lách luật.
Với các sai phạm trên thì có thể yêu cầu chủ đầu tư bồi thường, trả lại đất đã xây dựng hạ tầng khi chưa có giấy phép, tất cả đều có khung xử lý hình phạt.
Có lẽ họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý để chịu phạt vì nếu có vài trăm triệu đồng so với khoản tiền chênh lệch có được từ mua đất giá rẻ là không quá nhiều.
Và khi xử lý kỷ luật thì cả phía chính quyền cũng phải chịu xử phạt, ai là người lơ là để chủ đầu tư thi công hạ tầng, san lấp mặt bằng, ai là người ký duyệt giao đất, ai sai thì xử lý người đó, không được bao che, tất cả đều phải trả giá.
"Ở đây đã thấy rõ sai phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý địa phương thì cần có sự vào cuộc điều tra của các cấp cao hơn để làm rõ, vì sao lại sai phạm, có lợi ích nhóm, có tham nhũng ở đây hay không vì chưa có bằng chứng để chứng minh lỗi này.
Hiện tại, chỉ có thể quy trách nhiệm làm ngơ cho chủ đầu tư cầm đèn chạy trước ô tô, thi công trước khi có giấy phép, ai làm ngơ phải chịu trách nhiệm, Thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương đâu, cần có hình phạt cho các sai phạm đó", ông Đực phân tích.
Tác giả bài viết: Châu An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn