Từ vụ đình Lương Xá: Chưa từng thấy ai đi tù vì phá hoại di tích

Thứ ba - 07/08/2018 07:05
Sau vụ việc Đình Lương Xá, TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo cổ học cho rằng không nên đổ lỗi cho người dân mà chính quyền cần có một cách ứng xử khác với di tích chưa được xếp hạng, có giá trị lịch sử.

 


 Đình Lương Xá dựng mới hoàn toàn bằng bê tông cốt thép. Ảnh: T.L

 

Đừng đổ lỗi cho dân

Trao đổi với TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo cổ học về sự việc trên, ông cho biết: “Điều đầu tiên chúng ta cần làm là đừng trách người dân mà nên trách chính quyền không quản lý được. Dân làm đúng nhưng lại đổ lỗi cho họ tùy tiện hạ giải Đình, phải nhìn nhận rằng Đình chưa được xếp hạng. Trừ khi bị xếp hạng, bó buộc rồi, di tích dột thì không còn cách nào khác là mặc áo mưa giấy, đội nón cho tượng như ở chùa Một Cột trước đây”.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hồng Kiên cũng đặt ra vấn đề, với một ngôi Đình đã hơn 300 năm tuổi đang trong tình trạng xuống cấp, người dân đã có văn bản xin được sửa chữa lên huyện Ứng Hòa nhưng huyện không đưa lên tỉnh. Mặc dù, huyện Ứng Hòa đã có chỉ thị nhưng không nói rõ người dân được làm gì và hết trách nhiệm. Phía UBND huyện Ứng Hòa cũng chỉ biết đến sự việc Đình Lương Xá bị hạ giải sau khi các cơ quan báo chí vào cuộc. Do vậy, sau vụ việc này cần đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm và làm thế nào để không xảy ra vụ việc tương tự vì hiện nay cấu kiện đã gỡ, Đình bê tông cốt thép đã dựng không thể bảo đập đi được.

Mặt khác PGS.TS Bùi Minh Trí – Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết: “Hiện nay quy định về việc chi tiêu nguồn vốn xã hội hóa hay quản lý di tích đã rõ ràng. Do vậy, việc sử dụng nguồn vốn cần đúng với luật pháp, minh bạch và phải có sự giám sát. Đồng thời, trong quá trình tu bổ, sửa chữa cần giám sát quá trình thiết kế, sửa chữa, làm rõ xem nguồn vốn đó từ đâu”.

Đối với những cấu kiện, hiện vật cổ tại các tích bị hạ giải, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng: “Trước tiên, chúng ta cần phải có cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá rõ giá trị của các hiện vật trên. Về mặt bảo tồn, lưu giữ hiện nay có 3 cách, thứ nhất bảo tồn tại chỗ, nghĩa là hiện vật là lưu giữ trong di tích để ai đến xem giới thiệu. Cách thứ hai là chính quyền địa phương có ý kiến đến bảo tàng tỉnh để bảo tồn, trưng bày trong tương lai. Cách thứ 3, nếu hiện vật có giá trị lớn có thể trưng bày tại bảo tàng lịch sử quốc gia”.

Ai chịu trách nhiệm?

Sau khi Đình Lương Xá hạ giải, nhiều cấu kiện, bản chạm khắc cổ bị công nhân vứt chỏng chơ trên sân nhà văn hóa thôn Lương Xá. Hiện vật “quý”, còn sử dụng được, người dân để trong kho nhà văn hóa để tránh nắng mưa. Tuy nhiên, những hiện vật trên được bảo vệ rất thủ công bằng cách đắp chiếu.

 


 ĐÌnh cũ được dỡ ra, nằm phơi mưa nắng ở sân nhà văn hóa thôn. Ảnh: T.L

TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết: “Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc để bằng bất cứ giá nào không được phá hoại di tích. Ứng xử như thế nào với di tích là vấn đề đặt ra của xã hội nhưng chưa có văn bản, chế tài nào. Tôi đảm bảo chưa có ai đi tù về việc phá hoại di tích, chưa có một bản án nào đủ sức răn đe để người ta phải cẩn thận khi can thiệp vào di tích. Bây giờ phải có quy định cụ thể nếu không sau này lại có đình, chùa, di tích bị bê tông hóa vì chưa được xếp hạng”.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hồng Kiên cũng đặt ra câu hỏi: Đình Lương Xá có hơn 300 năm nhưng vẫn chưa được xếp hạng, trong khi ở nội thành Hà Nội có những di tích chỉ khoảng 100 năm đã được xếp hạng. Vậy quy trình xếp hạng di tích hiện nay có cần được kiểm tra, xem xét hay không và việc ngôi đình 300 năm bị bê tông hóa như trên đã đủ để thức tỉnh mọi người từ dân đến chính quyền hay chưa?

Đối với quy trình xếp hạng di tích hiện nay, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng: “Quy trình không có gì quá khó khăn, điều cần thiết là người dân và chính quyền cần tích cực làm hồ sơ. Trong quá trình làm nếu vướng mắc về thủ tục nếu các bên đều tích cực giải quyết thì việc xếp hàng sẽ thực hiện được. Tuy nhiên nếu một trong các khâu có người làm thiếu trách nhiệm, không nhiệt tình hay nghĩ là chuyện làm ăn thì lại là chuyện khác”.

Tháng 4/2018, trước sự việc Đình Lương Xá được hạ giải Phòng Thông tin và văn hóa của UBND Huyện Ứng Hòa đã nắm được sự việc và nhắc nhở nhưng chưa tham mưu cho huyện ra văn bản xử lý vi phạm. Đến ngày 30/7, sau khi truyền thông phản ánh các cơ quan chức năng của Huyện Ứng Hòa mới bắt đầu vào cuộc. Tuy nhiên khi đó, Đình Lương Xá đã được hạ giải hoàn toàn thay đổi toàn bộ kết cấu chính từ gỗ sang bê tông.

 


 

Tác giả bài viết: Minh An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay255
  • Tháng hiện tại17,337
  • Tổng lượt truy cập1,530,180
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây