“Kết quả tốt kinh tế 2017 làm nền tảng cho tăng trưởng năm 2018”

Thứ bảy - 03/02/2018 07:39
LTS: Năm 2017, chúng ta đã đạt thành tích kỉ lục trong mười năm qua, GDP đạt 6,81%. Đây là nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân trong đó có sự điều hành quyết liệt và đúng hướng của Chính phủ. Nhân dịp năm mới 2018, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xung quanh vấn đề này.

Xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực

+ Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 ở mức 6,81% được coi là ngoạn mục. Là Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các vấn đề kinh tế tổng hợp, ông đánh giá và lý giải hiện tượng này như thế nào?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, góp phần đưa tốc độ tăng bình quân 10 năm 2008-2017 lên 6%. Sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế năm 2017 là nhờ sự đồng lòng, nhất trí từ chủ trương của Đảng, giải pháp thực hiện của Nhà nước và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân và nhân dân cả nước.

Có được thành quả này đến từ việc chúng ta đảm tốt ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; hệ thống thể chế thị trường ngày càng được hoàn thiện theo các nghị quyết quan trọng của Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 và Trung ương 5 khoá XII; vai trò của Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được phát huy; chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, bảo đảm cân đối tài chính, an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng…

 

''
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
''

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

 

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực theo từng quý; các Bộ, ngành cũng đã chủ động rà soát, đốc thúc các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ, ngành mình phụ trách nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, đặc biệt là cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, giảm được 24 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để giảm chi phí cho doanh nghiệp và hiện, đang tiếp tục xây dựng các văn bản để cắt giảm khoảng gần 3.000 điều kiện kinh doanh, bảo đảm các quy định theo Luật đầu tư và hướng tới tiêu chuẩn của khối Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); cơ cấu lại hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất cho vay từ 0,5- 1%; cơ cấu lại NSNN, quản lý tốt nợ công, siết chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công...

Những điều này đã dẫn đến lạm phát được kiểm soát; bội chi NSNN được bảo đảm; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, giải ngân vốn FDI đạt mức cao nhất từ trước đến nay (17,5 tỷ USD); số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, đạt trên 126 nghìn doanh nghiệp; kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt gần 425 tỷ đô la Mỹ, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay... Các khu vực kinh tế đều có chuyển biến tích cực và tăng trưởng khá cao, đóng góp vào thành quả tăng trưởng chung.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu

+ Xuất khẩu của chúng ta trước đây chủ yếu dựa vào hàng thô - khoáng sản, đặc biệt là dầu khí nhưng hiện nay, dầu khí, than đá không còn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu nữa. Song năm 2017, chúng ta đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 425 tỉ USD và Phó Thủ tướng từng đánh giá là “kỳ tích”. Thưa Phó Thủ tướng, điều gì đã làm nên kỳ tích này?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, vượt chỉ tiêu quốc hội giao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng vượt mốc 420 tỷ USD. Như vậy, sau 10 năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.

Cụ thể, trong năm qua, xuất khẩu cả nước ước đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao. Nhập khẩu đạt trên 211 tỷ USD, tăng 20,8%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu đã tạo thặng dư thương mại ở mức gần 2,7 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước.

Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng với trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 22 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chuyển dịch tích cực, khu vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến đều tăng trưởng tốt. Các mặt hàng công nghiệp chế biến có tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm đạt mức kỷ lục, trên 36 tỷ USD, tăng 13%.

Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, trước tiên là thành quả, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân Việt Nam; cùng với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp, coi xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ đã và đang yêu cầu các Bộ, ngành quyết liệt đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu cũng là kết quả từ việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, chúng ta đã ký kết và đang thực thi 10 FTA đa phương và song phương, đóng góp vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.

Để duy trì đà tăng trưởng, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng dẫn tổ chức thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn.

Có ý kiến chuyên gia cho ra rằng, hiện nay có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật. Đó là: không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực. Ông nhận xét gì về đánh giá này và nếu chuyên gia nói đúng, Chính phủ có biện pháp cụ thể gì để tháo gỡ?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Tính tới nay có 337 văn bản quy phạm pháp luật quy định bao gồm Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư/Quyết định của các Bộ, ngành về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ý kiến “8 không” như đề cập xuất phát từ thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua. Một hoặc một vài nhận định trong số “8 không” đó đã xuất hiện trong một số văn bản pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Tại các Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015, 2016, 2017, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành phải thay đổi căn bản phương pháp quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó nêu rõ những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý và kiểm tra chuyên ngành để khắc phục.

Thời gian qua, các Bộ, ngành cũng đã vào cuộc tích cực, ban hành và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu tại các Nghị quyết 19/NQ-CP và Quyết định số 2026/QĐ-TTg. Cụ thể, số văn bản được sửa đổi, bổ sung là 75/87 văn bản. Nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung, ban hành đã đáp ứng được yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao như Bộ Khoa học Công nghệ cắt giảm hơn 90% mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan, Bộ Công Thương chuyển thời điểm dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng sang sau thông quan,... Tính chung năm 2017, mỗi lô hàng xuất nhập khẩu tiết kiệm được 19 USD, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 205 triệu USD trong khâu thông quan hàng hoá.

Để đạt được mục tiêu như Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã đề ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ngay trong Quý I này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 19-2018 và tiếp tục chỉ đạo các Bộ quản lý chuyên ngành quyết liệt triển khai một số giải pháp: Rà soát và ban hành “Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu” thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan theo hướng danh mục hàng hóa chi tiết tên hàng, kèm mã số HS; có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để kiểm tra, rà soát; chỉ kiểm tra trước thông quan đối với những mặt hàng có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, dịch bệnh, an ninh quốc gia.

Thay đổi phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành; chỉ kiểm tra trước thông quan đối với các mặt hàng có mã số HS cụ thể, có tiêu chuẩn/quy chuẩn quốc gia tương ứng; chủ động thực hiện công nhận chất lượng đối với những mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng, nhà sản xuất nổi tiếng, có xuất xứ từ nước có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa; Rà soát, loại bỏ những quy định chồng chéo, không cần thiết trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện điện tử hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN,... Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu trong năm 2018 phải tiếp tục cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm số lượng hàng hoá phải kiểm tra hiện nay đang ở mức khoảng 35% xuống 15% vào cuối năm 2018.

Mục tiêu tăng trưởng 2018 khoảng 6,7% là khả thi và phù hợp

+ Trở lại với tăng trưởng kinh tế, Quốc hội đã ra Nghị quyết ấn định mức tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5-6,7%. Trong khí thế đi lên như hiện nay, tại sao chỉ số này lại có “độ lùi” so với năm 2017 mà không phải là giữ nguyên hay cao hơn để góp phần bảo đảm mục tiêu của cả giai đoạn 2016 - 2020?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Mức tăng trưởng GDP 6,81% của năm 2017 là kết quả tốt cho kinh tế Việt Nam và làm nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2018. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện ở ngưỡng cao, nền kinh tế trong nước đang bị phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế thế giới. Tuy được dự báo có chiều hướng tích cực trong năm tới nhưng kinh tế thế giới năm 2018 dự kiến còn gặp rủi ro do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chưa được đẩy lùi. Do độ mở lớn của nền kinh tế, các tác động của khu vực và thế giới sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và khá nhanh đối với Việt Nam cả về thương mại, đầu tư, tài chính và tiền tệ.

Bên cạnh đó, những thách thức trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như: Hiện trạng công nghệ thấp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế; nợ công cao; xử lý nợ xấu còn khó khăn; năng suất lao động thấp; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây nhưng vẫn còn yếu… là những khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta vừa phải tạo ra các năng lực sản xuất mới có chất lượng, hiệu quả cao hơn, vừa phải tập trung giải quyết, cắt giảm các năng lực sản xuất đang bị lãng phí, đó là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ, trong khi nguồn lực của đất nước còn rất hạn hẹp.

Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 là hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang ở ngưỡng phát triển cao, khả năng vượt trội trong năm 2018 là khó xảy ra khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hầu như đã được khai thác ở mức cao, trong khi hoạt động khai khoáng dự báo tiếp tục tăng trưởng âm... Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước được cơ cấu lại, ứng dụng công nghệ cao cho phát triển... nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành cần độ trễ để phát huy hiệu quả; các ngành dịch vụ có thể duy trì hoặc tăng trưởng không nhiều so với năm 2017.

Với tình hình như vậy, khả năng năm 2018 tăng trưởng cao hơn năm 2017 là một nhiệm vụ rất khó khăn. Mặt khác ngoài con số tăng trưởng, Chính phủ vẫn phải quan tâm thúc đẩy chất lượng tăng trưởng. Vì vậy tôi cho rằng với mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 khoảng 6,7% là khả thi và phù hợp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức để đề ra những giải pháp thực hiện tạo ra những động lực tăng trưởng mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng của Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 1/1/2018.

Thành công này là nỗ lực chung

+ Thành công của đất nước cũng là thành công của Chính phủ. Ông đánh giá như thế nào về “công sức” của những Bộ, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Năm 2017 ghi dấu những thành công của Chính phủ, lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và vượt mức 13 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao. Thành công này là nỗ lực chung của Chính phủ, ngoài những bộ, ngành phụ trách lĩnh vực kinh tế vĩ mô như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước thì các bộ, ngành phụ trách lĩnh vực kinh tế ngành, khu vực sản xuất như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… có vai trò hết sức quan trọng đóng góp vào thành tích tăng trưởng chung của cả nước.

Trong năm qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc tập trung vào khơi thông nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu trong toàn ngành với nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế trong công nghiệp để thiết lập đường hướng, khơi thông điểm nghẽn nhằm tạo động lực cho phát triển các ngành công nghiệp; tập trung chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ các rào cản kìm hãm hoạt động của doanh nghiệp, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tăng cường đàm phán ký kết các FTA nhằm mở rộng thị trường, thu hút đầu tư cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 213,8 tỷ USD (tăng 21,1% so với năm 2016)...

Ngành nông nghiệp cũng có những đóng góp hết sức quan trọng, thể hiện qua những kết quả nổi bật như: Cơ cấu lại nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao đã đem lại kết quả tích cực, rõ nét. Ngành nông nghiệp có mức tăng GDP đạt 2,9%, cao gấp 2,13 lần tốc độ tăng trưởng năm 2016 và đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng GDP toàn nền kinh tế và là năm đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản năm 2017 đạt mức kỷ lục, trên 36 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại toàn ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016. Trong số 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đã có 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ). Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đã vượt xuất khẩu dầu thô và lúa gạo.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, thu hút nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả các tổ chức quốc tế, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Kết thúc năm 2017, đã có 2.884 xã, tương đương 32,3% số xã trên toàn quốc (kế hoạch đặt mục tiêu là 31%) và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã (tương đương 5,87%) và 13 huyện so với năm 2016; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã, tăng 0,5 tiêu chí so với 2016.

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016, đưa tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lên 5.700. Số lượng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, cả nước có 33.500 trang trại, 11.688 HTX nông nghiệp. Số HTX thành lập mới năm 2017 là 1.189 HTX, tăng gấp 4 lần bình quân 4 năm thực hiện Luật HTX 2012.

Những kết quả đã đạt được trong năm 2017 sẽ là tiền đề tốt để các Bộ cùng với Chính phủ tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu mà Quốc hội đã giao đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong năm tới.

Tận dụng, khai thác triệt để những lợi thế mà APEC 2017 mang lại

+ Nói về nền kinh tế, không thể không nhắc đến thành công của APEC Đà Nẵng vào cuối năm qua. Phó Thủ tướng có nhìn nhận như thế nào về Hội nghị quan trọng này và làm cách nào để tận dụng triệt để những lợi thế mà APEC 2017 mang lại cho Việt Nam?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Năm 2017 kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa vững chắc, một số nền kinh tế còn hoài nghi về lợi ích của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy, sau nhiều thập kỷ, việc đạt được tiếng nói chung về tự do và thuận lợi hóa thương mại lại trở nên khó khăn trên hầu hết các diễn đàn và tổ chức quốc tế, kể cả G7 và G20. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC 2017 cũng gặp phải những thách thức không nhỏ. Tuy vậy, nỗ lực tổ chức thành công Năm APEC 2017 nói chung, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Cấp cao APEC đầu tháng 11 năm 2017 vừa qua tại Đà Nẵng đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao trên cả hai phương diện nội dung và công tác tổ chức.

Cụ thể, APEC 2017 đã thành công trong việc củng cố hình ảnh APEC là một diễn đàn tiếp tục đi đầu trong việc mở cửa thị trường và hỗ trợ tích cực cho các tiến trình hợp tác đa phương khác, trong đó có WTO. Bên cạnh các ưu tiên và hoạt động về kinh tế - thương mại trong khuôn khổ hội nhập kinh tế khu vực, APEC còn đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số. Có thể nói, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức, sự khéo léo và chủ động của ta đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, mang lại uy tín và vị thế ngày càng quan trọng cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Một điểm quan trọng là Việt Nam đã tích cực chủ động tận dụng, khai thác triệt để những lợi thế mà APEC 2017 mang lại. Trong trụ cột ưu tiên về hội nhập kinh tế khu vực của APEC, ta đã khéo léo thúc đẩy các nội dung hợp tác mà Việt Nam quan tâm, có nhu cầu và được các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ như tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới; tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong APEC, trong đó có việc giảm chi phí, thời gian, củng cố tính bền vững của chuỗi cung ứng; tăng cường hợp tác để phát triển công nghiệp hỗ trợ tại các nền kinh tế thành viên APEC; thúc đẩy hợp tác về thương mại dịch vụ, hướng tới môi trường dịch vụ cạnh tranh, minh bạch, thông thoáng tại các nền kinh tế thành viên v.v… Trên cơ sở đó, ta sẽ tranh thủ nguồn lực APEC, phối hợp với nước chủ nhà APEC 2018 và các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng kế hoạch và triển khai các sáng kiến đã được thông qua tại APEC 2017 nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và vai trò chủ động của Việt Nam trong APEC.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực khai thác các hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là các nền kinh tế thành viên đang phát triển thông qua đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thông lệ tốt từ các nền kinh tế trong và ngoài khu vực trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, v.v…

Ngoài ra, các Hội nghị APEC được diễn ra trong năm ở nhiều thành phố, tỉnh thành khác nhau của Việt Nam với sự tham gia của các quan chức chính phủ và đại diện giới doanh nghiệp APEC cũng mang lại cơ hội giới thiệu quảng bá du lịch cho Việt Nam cũng như cơ hội kết nối hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam và khu vực. Trên thực tế, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam đã tổ chức thành công Cuộc họp của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh (ABAC), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017 (Viet Nam Business Summit), góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và khu vực khi ký kết thành công nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị bên lề Hội nghị.

Có thể nói, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ để tổ chức thành công Năm APEC 2017 và qua đó cả Chính phủ và doanh nghiệp đã chủ động đón đầu, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội mà APEC 2017 mang lại. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, xem xét lại mô hình và phương pháp hoạt động, tăng cường kỹ năng trong giao dịch thương mại hiểu biết luật pháp quốc tế… để tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới các doanh nghiệp APEC nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh, cũng như tích cực quảng bá tới cộng đồng doanh nghiệp APEC về các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

+ Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Bùi Hoàng Tám

(Thực hiện)

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay908
  • Tháng hiện tại26,221
  • Tổng lượt truy cập1,352,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây