Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí – TP Hà Nội khi nói về kê khai tài sản, thu nhập đã nói rằng, có những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng nghìn m2. Có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn m2.
“Người dân bình thường để biết tài sản đó từ đâu mà có, dư luận xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng viết nhiều, thế nhưng không làm gì được vì con quan chức trong độ tuổi thành niên thì không phải kê khai tài sản, thu nhập”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Tuy nhiên phát biểu của đại biểu Nguyễn Anh Trí không khiến các đại biểu và những người dân bất ngờ.
Bởi thực tế, nhiều cơ quan công luận đã điểm mặt khá nhiều trường hợp điển hình như việc con gái của nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước có biệt phủ khủng tại TP.HCM thì ngay chính gia đình khi trả lời báo chí đã nói của bố, mẹ cho con gái như của hồi môn.
Sau mỗi vụ việc lùm xùm trên mặt báo, dư luận lại đặt ra câu hỏi, vì sao con quan chức chưa thành niên, chưa làm gì để ra tiền, kinh doanh gì để giàu có mà lại sở hữu khối tài sản khủng.
Do vậy, họ có quyền nghi ngờ về số tài sản này được cha mẹ hợp thức hóa khi chuyển cho con cái như một cách tẩu tán tài sản theo kiểu lách luật.
Ngay như việc có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng mà đã sở hữu tài sản khủng cũng không phải là chuyện lạ.
Bởi trên thực tế có thời điểm dư luận xôn xao về việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh, từng giữ chức Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa. Dù thu nhập không cao, gia đình không mấy khá giả nhưng được đồn thổi có khối tài sản “khủng” lên tới hàng chục tỉ đồng. Tiếc rằng, sau đó, theo thông báo kết luận chính thức về việc này, cơ quan chức năng cho biết “chưa có đủ cở sở để xác minh tài sản” của bà Quỳnh Anh với lý do bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức.
Trên thực tế, một câu nói của đại biểu Nguyễn Anh Trí khiến nhiều người giật mình: “Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý”.
Có một thực tế là không chỉ tuồn tài sản cho con cái mà người ta còn chuyển sang cho cả bố, mẹ, vợ hoặc chồng. Như đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) khi thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã kể một câu chuyện: “Có một ông bố nghèo ở quê nhưng có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần ông có mời luật sư và 2 con đến dặn rằng bố để cho mỗi con 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên hỏi tại sao bố nghèo mà lại có khoản tiền đó. Ông nói là làm gì có cây nào, chỉ đề phòng khi các con phát sinh tài sản khi kê khai nó có nguồn gốc rõ ràng”.
Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc các tài sản tham nhũng được cất giấu gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, không chỉ không có luật nên thua về lý mà còn ở sự xử lý thiếu kiên quyết, dung túng của các cơ quan có chức trách.
Bởi việc xác minh nguồn gốc tài sản của các cá nhân đó là “sạch” hay “bẩn” không phải không làm được. Tại sao các nước tiên tiến họ quản lý được nguồn gốc tài sản từng cá nhân để chống tội phạm, tham nhũng và rửa tiền còn ở ta cứ đụng đâu lại…than khó.
Nguồn tin: tintaynguyen.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn