Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, tính từ giai đoạn 2006 - 2015, toàn tỉnh đã có 55 dự án chậm tiến độ. Trong đó, đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 27 dự án do chủ đầu tư không thực hiện các quyết định đã phê duyệt.
Đơn cử, Dự án Trung tâm thương mại Phú Xuân do Công ty TNHH Phú Xuân làm chủ đầu tư, nằm ngay giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, được triển khai xây dựng từ năm 2006, có quy mô gồm 14 tầng khách sạn, 3 tầng siêu thị và các văn phòng cho thuê, với tổng mức đầu tư gần 290 tỷ đồng. Dự án đã cơ bản hoàn thiện phần thô, nhưng từ năm 2012 đến nay, thi công cầm chừng và chưa hẹn ngày hoàn thành.
Ngoài Dự án Trung tâm thương mại Phú Xuân, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn có nhiều dự án khác tọa lạc tại các khu đất vàng chậm tiến độ. Chẳng hạn, Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa thương mại, dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk Center do Công ty cổ phần Đầu tư Cao Nguyên làm chủ đầu, tọa lạc trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, công trình mặc đang trong giai đoạn thi công thì ngừng triển khai do chủ đầu tư khó khăn trong việc kêu gọi vốn. Trước đó, nhà đầu tư này cũng đã được UBND tỉnh cho gia hạn nhiều lần.
Hay như dự án Bãi đậu xe phía Bắc do Hợp tác xã Vận tải số 1 làm chủ đầu tư thuê diện tích đất gần 4.000 m2 tại đường Hà Huy Tập, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2010, nhưng đến nay, dự án này vẫn chỉ là khu đất trống.
Điều đáng nói, trong số các dự án có tốc độ “ốc sên”, có những dự án được cho thuê đất với tổng diện tích hàng chục héc-ta như Khu du lịch thác Krông Kmar, huyện Krông Bông 25 ha, Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Quốc tế Ea Tam trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột với diện tích gần 49 ha…
Việc giao đất, cho thuê đất của Nhà nước là một trong những chủ trương đúng đắn nhằm thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư được giao, cho thuê đất đã vi phạm quy định như sử dụng không đúng mục đích, chậm hoặc không đưa vào thực hiện dẫn đến việc lãng phí đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Nghiêm trọng hơn, có những đơn vị không có khả năng đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, lợi dụng cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh để thuê đất, sau đó tìm cách “lách luật” sang nhượng “bán lúa non” trái phép để kiếm lời.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: “Chúng tôi đã thu hồi một số dự án chậm tiến độ như Hoàng Nguyễn ở Ea.H.Leo, Anh Quốc, Phú Riềng Carate ở Ea.Súp… và sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát để thu hồi những dự án chây ì khác trong thời gian tới”.
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn