Thu hồi mặt bằng công viên 23.9

Thứ năm - 02/08/2018 08:06
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ra “tối hậu thư” thu hồi mặt bằng công viên 23.9 trả lại cho người dân.
Một phần dự án bỏ hoang trong công viên 23.9 được khai thác thành trung tâm thương mại, bãi xe, sân khấu... /// Ảnh: Ngọc Dương






















Một phần dự án bỏ hoang trong công viên 23.9 được khai thác thành trung tâm thương mại, bãi xe, sân khấu...

Chia năm xẻ bảy
Trước đây, công viên 23.9 là ga xe lửa Sài Gòn. Từ khi ga dời về Q.3, một phần mặt bằng gần 10 ha được biến thành công viên, do Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM quản lý. Hiện công viên 23.9 được chia làm 3 khu, khu A giới hạn bởi đường Nguyễn Thị Nghĩa - Phạm Ngũ Lão - vòng xoay Quách Thị Trang - Lê Lai rộng hơn 40.000 m2; khu B giới hạn đường Nguyễn Thị Nghĩa - Phạm Ngũ Lão - vòng xoay trước chợ Nguyễn Thái Bình - Lê Lai rộng hơn 50.000 m2 và khu C rộng 18.433 m2.
Năm 1995 một khu phức hợp gồm công viên, khu vui chơi, khu thương mại, cao ốc văn phòng và cụm nhà hàng khách sạn được Công ty liên doanh VN Jin Wen Enterprise đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD tại khu B. Tháng 8.1998 dự án được khởi công. Đến năm 2000, do thiếu vốn, dự án ngừng thi công cho đến nay khi mới xây dựng các tầng hầm. Từ đó, hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước “nhảy” vào xin tiếp tục triển khai nhưng sau đó cũng lần lượt ra đi. Khi nhà đầu tư Đài Loan rút về nước, UBND TP đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất TP (Sở TN-MT) quản lý công viên 23.9 trong thời gian chờ triển khai dự án đầu tư theo quy hoạch.
Hiện nay công viên 23.9 đang bị chia năm xẻ bảy do nhiều đơn vị quản lý. Khu A là khu vực cây xanh, không có các công trình trên đất do Sở GTVT quản lý. Khu B bao gồm khu vực cây xanh và các công trình hiện hữu như khu nhà văn phòng cũ của Công ty liên doanh VN Jin Wen Enterprise hiện là văn phòng làm việc của Trung tâm phát triển quỹ đất TP và Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương). Một phần của dự án dở dang được TP giao Trung tâm tổ chức và biểu diễn điện ảnh TP thuộc Sở Du lịch liên kết với Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong xây dựng sân khấu biểu diễn nghệ thuật Sen Hồng với diện tích hơn 5.000 m2, 2 căn tin và một phần làm bãi giữ xe. TP cũng đã giao cho Công ty Cửu Long đầu tư cải tạo, chỉnh trang nâng cấp toàn bộ phần hầm dự án và một phần công viên để khai thác tạm thời dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí cho người dân và du khách. Hiện Công ty Cửu Long đã đầu tư một phần khu vực này thành một khu phức hợp giữ xe, ẩm thực, siêu thị, trung tâm thương mại... Một phần đất được xây dựng trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch do Trung tâm xúc tiến du lịch quản lý.
Trong khi đó, phần đất rộng 18.433 m2 ở khu C được cắt làm bến xe buýt do Sở GTVT quản lý đã mấy năm nay.
Các sở vẫn tranh giành
Theo ông Võ Kháng Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT, hiện trên mặt bằng công viên 23.9 có nhiều đơn vị quản lý và khai thác dẫn đến việc chồng chéo, manh mún và thiếu kiểm soát trong công tác xây dựng, khai thác. Chưa kể do được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác một thời gian dài nên hạ tầng đã xuống cấp; công tác sửa chữa vẫn mang tính tạm thời, chắp vá; việc sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng công viên còn tùy tiện. Trong khi các khu vực không gian sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em, khu vận động cho thanh thiếu niên vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
Ông Hưng cho biết, theo quy hoạch khu vực trung tâm 930 ha của TP thì từ khu vực Công trường Quách Thị Trang và công viên 23.9 đều làm đất công viên, cây xanh. Ngoài ra, công viên 23.9 trong tương lai là khu vực có nhà ga trung tâm của toàn bộ tuyến metro, nơi thu hút lượng lớn người thường xuyên đến nên phải được tính toán xây dựng vừa tạo điểm nhấn kiến trúc độc đáo vừa có công năng phù hợp với các công trình xung quanh và thu hút du lịch. Sở GTVT đang đề xuất UBND TP giao phần lớn đất tại công viên 23.9 cho Sở quản lý theo hiện trạng và cải tạo tạm thời trong khi chờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn tất công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch 1/500 và quyết định phương án đầu tư.
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Thạch lại kiến nghị TP nên giao cho UBND Q.1 tiếp nhận quản lý khu công viên ở khu A. Phần diện tích công viên tại khu B sử dụng vào mục đích công cộng, làm không gian tổ chức các hoạt động lễ hội của TP. Còn với công trình hiện hữu tại khu B như bãi giữ xe, tòa nhà văn phòng cũ, khu sân khấu nhạc nước và tầng hầm (đang cho Công ty Cửu Long thuê) cho phép giữ nguyên hiện trạng quản lý. Trong quá trình sử dụng, các đơn vị có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích bố trí. Ông Thạch cũng kiến nghị TP cho phép sở này được sử dụng khu nhà cũ này để làm văn phòng tạm trong thời gian chờ xây trụ sở mới.
Quy hoạch mảng xanh và bãi đậu xe

KTS Nguyễn Hoài Nam, một người có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch kiến trúc, nhận xét: Hiện nay việc sử dụng, khai thác công viên 23.9 đang rất lộn xộn, mất vệ sinh, nhất là việc TP lấy công viên làm trạm xe buýt. Chính vì vậy việc sắp xếp lại công viên 23.9 khoa học hơn, hiện đại hơn sẽ giúp công viên này đóng góp rất lớn cho bộ mặt đô thị TP. Ông Nam cho biết, trước đây TP từng có một đồ án quy hoạch chi tiết công viên 23.9 do Công ty TNHH xây dựng và kiến trúc miền Nam lập. Theo đó, công viên 23.9 từng được quy hoạch có 9 chức năng và chức năng chính là công viên cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, quảng trường. Ngoài ra, chức năng phụ là đầu mối giao thông (ga cho xe điện ngầm và trạm điều hành xe buýt), bãi đậu xe (tại các tầng hầm dưới công viên) và trung tâm thương mại - dịch vụ. Cũng theo vị này, năm 2013 TP từng có chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch tại công viên này. Nhà hát được thiết kế với sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành với diện tích 1,2 ha, được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão. Dự án này do một doanh nghiệp của Đức làm tư vấn thiết kế và dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải sự phản đối của người dân và dự án xây dựng nhà hát bị dừng lại. Hiện nay, TP đang thiếu trầm trọng mảng xanh và chỗ đậu xe. Chính vì vậy, việc dọn dẹp lại công viên 23.9 để đầu tư bài bản hơn là điều cần thiết. Trong đó hướng đến việc xây dựng, khai thác không gian ngầm gồm bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại để kết nối với nhà ga metro là cần thiết.

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Bất Động Sản
Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay309
  • Tháng hiện tại17,391
  • Tổng lượt truy cập1,530,234
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây